Tổng thống Biden cấm nhập khẩu dầu khí Nga, Shell cũng ngừng mua dầu Nga

09/03/2022 11:33 GMT+7

Ngày 8.3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu khí từ Nga nhằm trả đũa chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Đây là một trong những động thái trừng phạt Nga mạnh mẽ nhất và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên ông Biden cũng cảnh báo người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng dù hiện tại giá năng lượng tại Mỹ đã cao đáng kể:

“Từ khi ông Putin tập trung lực lượng tại biên giới Ukraine, từ lúc đó giá xăng tại các trạm xăng Mỹ đã tăng 75 cent. Với thông báo này giá sẽ tăng cao hơn nữa”.

Ngay trước tuyên bố của ông Biden, Anh thông báo đến cuối năm 2022 sẽ loại bỏ việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga để các doanh nghiệp thời gian tìm các nguồn cung cấp thay thế.

“Chúng ta sẽ sử dụng mọi phương pháp có thể: ngoại giao, nhân đạo và kinh tế, thưa Ngài Chủ tịch, cho đến khi ông Vladimir Putin thất bại trong việc này”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trước quốc hội.

Bộ trưởng Đức: cấm dầu khí Nga, châu Âu tắt điện thì cũng chẳng cản được xe tăng

Là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Nga xuất khẩu 7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm liên quan khác mỗi ngày.

Ông Biden thừa nhận nhiều đồng minh châu Âu khác vì phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu Nga nên không thể tham gia lệnh cấm cùng Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã tham vấn chặt chẽ với các đối tác quốc tế về lệnh cấm này.

Và động thái này nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng Quốc hội Mỹ. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Marco Rubio ca ngợi lệnh cấm trên và kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường hỗ trợ sản xuất dầu và khí đốt nội địa.

Ông Biden cho rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt đã khiến nền kinh tế Nga "sụp đổ".

Cũng trong ngày 8.3, tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell cho biết sẽ ngừng mua dầu từ Nga và hoàn toàn cắt đứt liên hệ với quốc gia này. Trước đó, các công ty đối thủ như BP và Exxon Mobil đã thông báo kế hoạch bán cổ phần và rời khỏi Nga.

Giá dầu tăng lên gần 130 USD một thùng trong ngày 8.3. JP Morgan dự đoán giá dầu có thể đạt mức kỷ lục 185 USD/ thùng vào cuối năm 2022 nếu lệnh cấm kéo dài đến thời điểm đó.

Khủng hoảng Ukraine: Cấm vận từ phương Tây có khiến Nga 'tổn thương'?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.