Một hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) |
chụp màn hình Lockheed Martin |
Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1.6 đã thông báo gửi gói vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
"Mỹ sẽ sát cánh với các đối tác Ukraine và tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ", ông Biden tuyên bố.
"Cảm ơn các đồng minh. Hãy cùng nhau đánh bại Nga", ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, viết trên Twitter ngay sau tuyên bố của ông Biden.
Ngoài hỏa tiễn phóng loạt tối tân, gói viện trợ vũ khí 700 triệu USD của Mỹ cho Ukraine có gì? |
Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa HIMARS sau khi được Kyiv đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Điều kiện này được ông Biden đưa ra để cố gắng tránh leo thang xung đột Ukraine.
"Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết Mỹ sẽ gửi trước 4 hệ thống HIMARS tới Ukraine. Quan chức này nói thêm rằng sẽ mất khoảng ba tuần để huấn luyện các lực lượng Ukraine cách sử dụng hệ thống mới.
Trong một bài viết đăng trên tờ The New York Times ngày 31.5, Tổng thống Biden cho biết gói vũ khí mới sẽ giúp Ukraine trên chiến trường "và ở vị trí mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán".
Ukraine muốn được cung cấp các hệ thống phóng nhiều tên lửa (MLRS) như M270 và M142 HIMARS - cả hai đều do công ty Lockheed Martin chế tạo - để có thêm hỏa lực ở tầm xa hơn nhằm đánh trúng nơi tập trung quân và kho vũ khí ở hậu phương của Nga. Các tên lửa tầm xa mà Ukraine đang muốn sở hữu có tầm bắn đến hơn 480 km - vượt cả đạn lựu pháo. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã từ chối cung cấp những vũ khí này sau khi xác định rằng tên lửa tầm ngắn hơn vẫn đủ để dùng.
Bên cạnh tên lửa, gói vũ khí mới bao gồm đạn dược, radar đối kháng, một số radar giám sát đường không, tên lửa chống tăng Javelin cũng như vũ khí chống thiết giáp, các quan chức cho biết.
Xem nhanh: Chiến dịch của Nga ở Ukraine ngày 98, ông Biden nói Mỹ sẽ làm và không làm gì |
Động thái mới của Mỹ đã gây ra căng thẳng mới với Nga. Moscow cho rằng Washington đang đổ thêm dầu vào lửa bằng cách cung cấp cho Kyiv những tên lửa tiên tiến. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp các bệ phóng rốc két hiện đại đã vượt ra ngoài “mọi giới hạn”, và là hành vi “khiêu khích trực tiếp”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1.6 cũng chỉ trích mạnh mẽ quyết định chuyển giao HIMARS của Mỹ. Ông Peskov nói Nga không tin rằng Ukraine sẽ không dùng vũ khí đó để bắn vào lãnh thổ Nga và điều này có thể mở rộng nguy cơ xung đột và làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Washington.
Bình luận (0)