Tổng thống Biden sẽ phải hành động ‘siêu tốc’ vì biến đổi khí hậu

11/02/2021 09:16 GMT+7

Cam kết hành động chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có những thuận lợi nhưng cũng đối diện nhiều thách thức lớn.

Trong những sắc lệnh hành pháp trong tuần đầu tiên, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi một thông điệp chắc chắn rằng chính quyền của ông sẽ tăng tốc đối phó với biến đổi khí hậu, nhanh hơn bao giờ hết.
Theo Đài NPR, câu hỏi đặt ra là ông Biden cần tăng tốc ở mức độ nào, và đâu là những khó khăn, thuận lợi trước mắt.
Giới khoa học cảnh báo rằng thập niên sắp tới là thời gian sống còn để giảm phát thải khí nhà kính, với hy vọng giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,50C so với giữa thế kỷ 19.
Giờ đây, thế giới đang trên đà hướng tới mức tăng đến 30C, với nguy cơ xảy ra bão, cháy rừng, hủy diệt các rặng san hô và nước biển dâng.

20% số người chết sớm là do ô nhiễm phát thải nhiên liệu hóa thạch

Ông Biden đã đặt hàng loạt mục tiêu nhằm đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050, tức giảm sự gia tăng ròng khí thải nhà kính toàn cầu vào khí quyển do hệ quả từ các hoạt động kinh doanh hoặc khi vận hành các sản phẩm dịch vụ.
Để đạt mục tiêu đó, việc sử dụng năng lượng từ than phải giảm đến mức thấp nhất, thay thế bằng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Phần lớn xe hơi phải chạy bằng điện chứ không phải xăng. Ông còn cam kết đầu tư vào các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nhất.

Lợi thế của ông Biden

Vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, các quan chức nhắm đến 1 trong các chính sách khí hậu then chốt thời ông Barack Obama là giới hạn phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện ô nhiễm nhất.
Tổng thống Trump đã đảo ngược kế hoạch và ủng hộ ngành công nghiệp than, nhưng lượng phát thải khí nhà kính vẫn giảm.

Một nhà máy điện gió ở California

Ảnh: Reuters

Năng lượng tái tạo ngày càng trở thành lựa chọn thay thế cho các nhà máy điện. Tổng thống Biden đang tìm cách đẩy mạnh xu hướng này bằng cách đầu tư vào các dự án năng lượng sạch thông qua chi tiêu phục hồi kinh tế, nhằm tạo việc làm và đạt mục tiêu về khí hậu cùng lúc.
Chính sách về khí hậu vẫn tồn tại và được tuân thủ tốt tại nhiều bang trên cả nước. Những bang này đã đạt mục tiêu riêng về năng lượng hiệu quả, xe sạch và năng lượng tái tạo.

Đảo ngược chính sách của ông Trump, ưu tiên năng lượng sạch có giúp ông Biden tạo việc làm?

Ô nhiễm từ các nhà máy điện giảm và giao thông trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất nước. Trước khi ông Trump rời Nhà Trắng, California và 13 bang khác đã tiên phong ra các tiêu chuẩn khắt khe về khí thải từ xe hơi và xe tải. Thậm chí hãng GM được chính quyền ông Trump ủng hộ cũng đã thông báo kế hoạch chỉ bán xe không phát thải khí nhà kính vào năm 2035.

Thách thức không nhỏ

Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden nhắm đến hơn 100 chính sách về môi trường của người tiền nhiệm, ra lệnh cho các cơ quan liên bang xem xét và thay thế.
Nhiều thay đổi liên quan đến cắt giảm khí nhà kính đã được đưa ra, như việc giới hạn phát thải khí mê tan từ các giếng dầu và khí đốt.
Tuy nhiên, quy trình này có thể sẽ mất nhiều năm. Nhiều quy định, như quy định tiết kiệm nhiên liệu đối với xe hơi và xe tải, cần quy trình ban hành luật kéo dài với các phân tích khoa học và ý kiến công chúng.
Các quy định về môi trường của ông Biden còn có thể đối diện các vụ kiện, có khả năng đưa lên Tòa án tối cao và mất nhiều năm. Các chính quyền tương lai khi đó có khả năng thay đổi các quy định như dưới thời ông Trump.
Một dự luật sâu về khí hậu sẽ là phép thử đối với ranh giới mong manh của phe Dân chủ tại Thượng viện. Phe Dân chủ có thể tìm cách thêm các chính sách khí hậu vào những dự luật khác để thông qua trong các kế hoạch ngân sách.
Hiện chính quyền ông Biden tập trung vào các quyết định có hiệu lực ngay, như việc cấm cho thuê đất liên bang cho các dự án dầu khí, và thu hồi giấy phép đối với đường ống dẫn dầu Keystone XL.

[VIDEO] Tổng thống Trump: Khí hậu sẽ dịu mát hơn, khoa học không biết đâu

Được khởi công vào năm 2008, Keystone XL là một hệ thống đường ống vận chuyển dầu thô kéo dài từ các mỏ dầu ở tỉnh Alberta (Canada) đến các nhà máy lọc dầu ở nhiều tiểu bang khác nhau tại Mỹ.
Dự án này từng là vấn đề gây tranh cãi trong các đời Tổng thống Mỹ, cũng như vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà bảo vệ môi trường.
Tham vọng về khí hậu của chính quyền ông Biden sẽ rõ ràng hơn trong năm nay khi đưa ra các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính dưới thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden cho hay Mỹ sẽ tham gia trở lại trong thỏa thuận, sau khi Tổng thống Trump rút. Và đàm phán vào thời điểm then chốt, khi các nước đưa ra các cam kết mới về cắt giảm phải thải khí nhà kính dưới hiệp định Paris.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.