Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội, ai đang tạm quyền thay thế?

14/12/2024 16:57 GMT+7

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duk-soo hôm nay 14.12 đã trở thành quyền tổng thống nước này sau khi quốc hội thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol về vụ ban bố thiết quân luật.

Với cuộc bỏ phiếu luận tội của Quốc hội Hàn Quốc được thông qua sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn của ông Yoon hôm 3.12, ông bị đình chỉ quyền thực hiện quyền tổng thống và hiến pháp yêu cầu thủ tướng phải đảm nhiệm vai trò tạm quyền.

Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội, ai đang tạm quyền thay thế?- Ảnh 1.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duk-soo phát biểu tại một sự kiện ở Seoul vào ngày 22.4

Ảnh: Reuters

Sau khi ông Yoon bị luận tội, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duk-soo tuyên bố ông sẽ cố gắng hết sức để điều hành chính phủ ổn định. "Tôi rất buồn", ông Han nói với các phóng viên sau khi quốc hội phê chuẩn kiến nghị luận tội ông Yoon.

Trong một đất nước bị chia rẽ sâu sắc bởi luận điệu đảng phái, ông Han là một quan chức hiếm hoi có sự nghiệp đa dạng vượt ra ngoài ranh giới đảng phái. Ông là một chuyên gia kỹ trị có nhiều kinh nghiệm và nổi tiếng về cách hành xử hợp lý có thể giúp ích cho ông trong vai trò mới nhất là quyền tổng thống Hàn Quốc, theo Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội

Ông Han (75 tuổi) đã đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong hơn 3 thập niên dưới thời 5 tổng thống khác nhau. Ông đảm nhiệm nhiều chức vụ như đại sứ tại Mỹ, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng thương mại, thư ký tổng thống phụ trách điều phối chính sách, thủ tướng...

Với bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ), chuyên môn của ông Han về kinh tế, thương mại và ngoại giao cũng như danh tiếng về sự hợp lý, thái độ ôn hòa và làm việc chăm chỉ đã khiến ông trở thành người thường xuyên được tin tưởng trong nền chính trị Hàn Quốc, theo Reuters.

Ông Han đã giữ chức thủ tướng kể từ khi nhiệm kỳ của ông Yoon bắt đầu vào năm 2022. Đây là lần thứ hai ông đảm nhiệm chức vụ này sau một thời gian làm thủ tướng dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2007-2008.

Ông Han cũng có kinh nghiệm làm việc với đồng minh quan trọng của Hàn Quốc là Mỹ, tham gia sâu vào quá trình ký kết Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc.

Vai trò lãnh đạo của ông Han dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc quyết định có nên bãi nhiệm ông Yoon hay khôi phục quyền lực của ông hay không. Nếu ông Yoon bị bãi nhiệm, một cuộc bầu cử tổng thống phải được tổ chức sau 60 ngày, cho đến khi đó ông Han sẽ vẫn giữ chức vụ lãnh đạo.

Tuy nhiên, ông Han phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là duy trì hoạt động của chính phủ trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong 4 thập niên qua, đồng thời phải đối phó với nước láng giềng có vũ khí hạt nhân là CHDCND Triều Tiên và nền kinh tế trong nước đang chậm lại.

Nhiệm kỳ quyền tổng thống của ông Han cũng có thể bị đe dọa bởi các cuộc điều tra hình sự về vai trò của ông trong quyết định ban bố thiết quân luật ngày 3.12 của ông Yoon.

Đảng Dân chủ đối lập chính đã đệ đơn khiếu nại ông Han để ông bị đưa vào cuộc điều tra về việc không ngăn chặn nỗ lực ban bố thiết quân luật của ông Yoon.

Nếu quốc hội quyết định luận tội ông Han, bộ trưởng tài chính sẽ là người tiếp theo trong số các thành viên nội các giữ chức quyền tổng thống, theo Reuters.

Hiến pháp Hàn Quốc không nêu rõ thủ tướng được trao quyền bao nhiêu trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo. Hầu hết các học giả cho rằng thủ tướng phải thực hiện quyền hạn hạn chế ở mức ngăn chặn tình trạng tê liệt các vấn đề nhà nước và không được hơn thế nữa, trong khi một số người cho rằng ông Han có thể thực hiện mọi quyền hạn của tổng thống vì hiến pháp không đặt ra bất kỳ hạn chế nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.