Tổng thống Indonesia trải nghiệm tàu cao tốc 350 km/giờ do Trung Quốc phát triển

14/09/2023 11:26 GMT+7

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dự kiến hoạt động từ tháng 10, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu là vào năm 2018.

Tổng thống Indonesia trải nghiệm tàu điện cao tốc 350 km/giờ - Ảnh 1.

Tổng thống Widodo cho biết chuyến tàu “thoải mái" ngay cả khi đạt tốc độ tối đa 350 km/giờ

Ban Thư ký Tổng thống Indonesia

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa trải nghiệm tàu điện cao tốc trên tuyến Jakarta-Bandung trước khi tuyến này chính thức hoạt động vào đầu tháng 10 trong dự án được Trung Quốc hỗ trợ.

Tàu điện đạt tốc độ lên đến 350 km/giờ và chuyến đi hôm 13.9 được nhà lãnh đạo đánh giá tích cực, theo tờ Nikkei Asia.

"Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi tàu tuyến này. Nó rất thoải mái ngay cả khi đạt tốc độ tối đa 350 km/giờ", ông chia sẻ sau chuyến đi và nói thêm rằng tàu chạy rất êm.

Tuyến đường sắt cao tốc dài 140 km kết nối Jakarta với thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java, một điểm du lịch lớn. Chuyến đi chỉ mất 28 phút và tuyến đường sắt này dự kiến hoạt động từ tháng 10 trước khi tăng dần số chuyến tàu.

Tham gia cùng chuyến trải nghiệm còn có Bộ trưởng Luhut Binsar Pandjaitan phụ trách hàng hải và đầu tư, Bộ trưởng Erick Thohir phụ trách doanh nghiệp nhà nước và nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng.

Tổng thống Indonesia trải nghiệm tàu điện cao tốc 350 km/giờ - Ảnh 2.

Tổng thống Widodo cạnh chuyến tàu dự kiến hoạt động từ tháng 10

Ban Thư ký Tổng thống Indonesia

Ông Widodo cho biết chính phủ hy vọng tuyến đường sắt này sẽ khuyến khích mọi người dùng phương tiện giao thông công cộng và giảm sử dụng ô tô cá nhân để cắt giảm ô nhiễm không khí cũng như tình trạng kẹt xe.

Ban đầu, Indonesia định dùng công nghệ tàu cao tốc shinkanshen của Nhật Bản. Tuy nhiên, chính phủ nước này vào phút chót đã chọn đề xuất của Bắc Kinh hồi năm 2015 với lý do không gia tăng gánh nặng tài chính quốc gia.

Dự án được triển khai với sự hỗ trợ của Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về cơ bản đảm trách việc xây dựng một trong những dự án lớn dưới Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, tổng chi phí vượt mức dự kiến 5,5 tỉ USD ban đầu, và Indonesia buộc phải chi tiền từ ngân sách. Con số ước tính của các bộ ngành về chi phí của dự án là từ 7,2-7,5 tỉ USD.

Việc khánh thành cũng chậm hơn nhiều so với dự kiến. Sau khi khởi công vào năm 2016, dự án ban đầu định khánh thành vào năm 2018. Trong số những nguyên nhân khiến dự án bị trì hoãn là do khó khăn trong việc thu hồi đất do thiếu truyền thông và bồi thường, bên cạnh đại dịch Covid-19.

Dự án tàu điện này cũng gây lo ngại về tính an toàn, nhất là sau khi một chuyến tàu bảo trì và đầu máy bị trật đường ray tại một công trình xây dựng gần Bandung vào tháng 12.2022 khiến 2 công nhân Trung Quốc thiệt mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.