Theo CNN hôm 14.4, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo đầu tiên về hoạt động tiền tệ của hai đối tác thương mại Mỹ. Luật pháp Mỹ yêu cầu tài liệu dạng này được đưa ra hai lần mỗi năm.
Bộ Tài chính Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng theo lộ trình như chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thực hiện năm ngoái là đưa Trung Quốc, Đức vào danh sách các nước và vùng lãnh thổ bị theo dõi nhiều vấn đề tiềm năng. Tổng cộng, có sáu đối tác thương mại Mỹ được theo dõi đặc biệt: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thụy Sĩ. Đây cũng là sáu nước và vùng lãnh thổ từng được chú ý dưới thời Tổng thống Obama.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: “Việc mở rộng thương mại theo cách tự do hơn, công bằng hơn cho người Mỹ đòi hỏi tất cả những nền kinh tế khác phải tránh các động thái tiền tệ thiếu công bằng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này cẩn thận”. Lời hứa khôi phục lại việc làm Mỹ vốn biến mất vì các động thái thương mại thiếu công bằng của nhiều nước khác là lời hứa chính của chính quyền ông Trump.
Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia mới của ông Trump từng cáo buộc Đức sử dụng đồng euro “bị định giá thấp cực kỳ” để làm tổn thương kinh tế Mỹ. Ngay sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ tuyên bố trên, cho hay với tư cách là một thành viên Liên minh châu Âu (EU), Đức không thể gây ảnh hưởng đến đồng tiền chung và cũng ủng hộ một Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) độc lập.
Trước khi đắc cử, Tổng thống Trump từng thề sẽ gán mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên làm tổng thống. Song đến ngày 13.4, ông thay đổi hoàn toàn lời hứa đó trong bài phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal. “Họ không phải là nước thao túng tiền tệ”, ông Trump nói.
Cụ thể, ông Trump giải thích mình đổi ý vì Đại lục không thao túng tiền tệ trong nhiều tháng qua, và việc gán mác sẽ gây tổn hại cho cuộc đàm phán đang diễn ra với Bắc Kinh về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Dù Đại lục bị nhiều nước chỉ trích vì hành vi thao túng tiền tệ, Bắc Kinh thực tế làm điều ngược lại, cố vực dậy giá trị nhân dân tệ, trong thời gian gần đây. Vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đã và đang nghi ngờ về việc Đại lục sẽ vướng tất cả các tiêu chí để xác định quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.
Chính phủ của các đời tổng thống trước sử dụng ba yếu tố để xác định liệu một nước có phải là nước thao túng tiền tệ hay không: thặng dư hơn 20 tỉ USD trong thương mại với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai tổng cộng hơn 3% GDP và liên tục phá giá nội tệ bằng cách mua tài sản nước ngoài có giá trị bằng 2% GDP. Báo cáo cuối cùng được đưa ra hồi tháng 10.2016 cho thấy Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thụy Sĩ vướng hai trong ba tiêu chí trên.
Việc Mỹ gán mác một quốc gia, vùng lãnh thổ là thao túng tiền tệ không dẫn đến hình phạt ngay tức thì, nhưng lại là động thái mà nhiều chính phủ khác xem là sự khiêu khích. Lần cuối cùng Mỹ thực hiện hành động này là đối với Trung Quốc vào năm 1994, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Các cựu Tổng thống Obama và George W. Bush có cách tiếp cận ngoại giao hơn, gây áp lực thay đổi chính sách lên các nước bằng nhiều cuộc đàm phán song phương, đa phương.
tin liên quan
Tổng thống Donald Trump bất ngờ nói Trung Quốc không thao túng tiền tệTổng thống Mỹ Donald Trump còn vừa khiến giá trị đô la Mỹ sụt giảm hôm 13.4 vì nhận định nội tệ đang quá mạnh.
Bình luận (0)