(TNO) Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7.6 kêu gọi lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chống lại “sự gây hấn của Nga ở Ukraine”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi lễ đón tiếp ông đến Đức tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại thành phố Garmisch-Partenkirchen (Đức) trong hai ngày 7-8.6 - Ảnh: Reuters
|
Một trong số nhiều vấn đề các lãnh đạo G7 sẽ thảo luận trong hai ngày 7-8.6 là “chống lại sự gây hấn của Nga”, ông Obama nói khi được Thủ tướng Đức Angela Merkel đón tiếp ông đến tham dự thượng đỉnh G7, theo AFP.
Tổng thống Obama cho biết quan hệ giữa Mỹ và Đức là “một trong số những đồng minh mạnh mẽ nhất trên thế giới”. Phát biểu này của ông Obama được cho là nhằm gửi thông điệp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin vắng mặt trong thượng đỉnh G7 lần này và thể hiện sự đoàn kết của G7 liên quan đến tình hình xung đột ở Ukraine.
Đáp lại lời ông Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng ca ngợi Mỹ là “đối tác cần thiết” mặc dù đôi lúc hai bên “bất đồng quan điểm”.
Quan hệ hai nước Mỹ-Đức đã được kiểm nghiệm trong vụ bê bối cơ quan NSA của Mỹ nghe lén điện thoại của bà Merkel và gần đây là thông tin Mỹ-Đức do thám các mục tiêu kinh tế và chính trị châu Âu, theo AFP.
Đức và Mỹ chia sẻ “những giá trị chung”, bà Merkel nhấn mạnh, trong một phát ngôn được cho là ám chỉ ông Putin. Nga bị trục xuất khỏi nhóm G7 sau khi sáp nhập vùng Crimea.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, cũng tham dự thượng đỉnh G7, cho biết ông muốn “tái xác nhận G7 đoàn kết về những biện pháp trừng phạt Nga”.
Báo New York Times (Mỹ) ngày 6.6 bình luận nhiệm vụ của ông Obama tại G7 lần này là đảm bảo các nước G7 nhất trí về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine nhằm “tăng cường cô lập Nga”. Mỹ và phương Tây lâu nay cáo buộc Nga “xâm lược” Crimea và viện trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow. Tuy nhiên Moscow luôn bác bỏ cáo buộc này.
Ngoài tình hình Ukraine, các lãnh đạo G7 dự kiến sẽ thảo luận vấn đề khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và mối đe dọa toàn cầu từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Bình luận (0)