Trả lời câu hỏi của một sinh viên về phương pháp "làm thế nào để được như ông" cũng như khả năng đóng góp của giới trẻ vào mối quan hệ Việt - Mỹ, Tổng thống Obama khẳng định: "Lời khuyên quan ttrọng nhất của tôi là hãy tìm điều gì đó mà bạn thật sự quan tâm. Hãy tìm điều gì đó khiến bạn hứng thú".
"Sau đó, dành hết năng lượng và nỗ lực của bản thân cho chúng. Con đường của mỗi người là khác nhau. Chúng ta đam mê những thứ khác nhau. Giáo dục, y tế, kinh doanh... Chẳng có con đường nào có thể chắc chắn giúp bạn trở thành một thủ lĩnh thực sự cả", Tổng thống Obama nói tiếp.
Cũng theo ông Obama, con đường diễn giả hoặc chính trị gia tài ba không phải là phương pháp duy nhất để giới trẻ trở thành nhà lãnh đạo thành công. Những thủ lĩnh tài ba nhất, đáng ngạc nhiên, lại thường chấp nhận "đứng sau cánh gà".
Tổng thống khuyên giới trẻ đừng nên quá lo lắng về việc bạn "sẽ trở thành cái gì", vì điều đó khiến bạn không thể tập trung nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện bản thân, hoàn thành thật tốt phần việc được giao phó, mà hãy tập trung quan tâm rằng bạn "sẽ làm cái gì".
Nếu bạn có đam mê, thì "hữu xạ tự nhiên hương", qua thời gian, bạn sẽ vượt lên tất cả và nhận được sự tôn trọng, nể phục từ mọi người xung quanh.
Trước khi vươn tới chiếc ghế tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã phải trải qua tuổi trẻ rất cơ cực, bươn chải. Nhờ từng trải như vậy nên hầu hết các phát biểu của ông đều thực sự trở thành những bài học 'để đời' cho giới trẻ.
Để minh họa cho quan điểm của bản thân, Barack Obama đã đưa ra ví dụ thực tế từ nước Mỹ, đặc biệt về các nhà hoạt động nhân quyền vì người da màu như Martin Luther King Jr., Bob Moses... Bên cạnh họ, hàng loạt những cá nhân khác vẫn âm thầm đóng góp cho phong trào bình đẳng về chủng tộc tại nước Mỹ trong suốt thời gian dài mà không đòi hỏi phải được xuất hiện, diễn thuyết trước đám đông hàng ngàn người.
Ông Obama nhận định những người thành công ở bất cứ lĩnh vực nào luôn biết cách yêu quý công việc của bản thân.
Tổng thống Mỹ cho rằng ban đầu, chắc chắn "ông trùm Microsoft" Bill Gates không có dự định trở thành tỉ phú. Chàng thanh niên Bill Gates chỉ yêu thích máy tính, và suy nghĩ làm thế nào để tạo ra những phần mềm thật "chất"".
Về phần mình, ông Obama thẳng thắn thừa nhận rằng thời còn trẻ, ông khá lười học và ham chơi. Tổng thống Mỹ khẳng định: "Các bạn đang vượt xa tôi rồi".
Barack Obama cho biết ban đầu, ông không hề nuôi dưỡng ước mơ tổng thống. Tuy vậy, khi bắt đầu trưởng thành, bớt ham chơi và nhìn nhận cuộc sống một cách nghiêm túc hơn, ông nhận ra bản thân muốn giúp đỡ nhóm dân số thu nhập thấp, cho họ cơ hội phát triển.
Từ đó, ông bắt đầu yêu thích, đam mê với công việc của mình, để rồi đặt ra những câu hỏi để bản thân có thể đạt được kết quả tốt hơn. Nỗ lực của Obama đã giúp ông dần tiến gần hơn đến con đường chính trị, và giờ đây đang giữ cương vị tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters
Buổi trò chuyện với khoảng 800 bạn trẻ Việt Nam, là thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) diễn ra tại GEM Center (số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, Quận 1). Đây được xem là cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ đặt câu hỏi cho tổng thống Mỹ về bất cứ chủ đề nào mà bản thân mong muốn, từ kinh tế, luật pháp, văn hóa, phòng chống tội phạm đến hợp tác quốc tế...
Đây là hoạt động cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi rời Việt Nam để sang Ise-Shima, Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra từ ngày 26 - 27.5.
'Tôi tự tin rằng từng cá nhân trong số các bạn sẽ tiếp tục trở thành những nhà lãnh đạo phi thường cho chính cộng đồng, đất nước của các bạn', Tổng thống Obama nói.
Năm 2013, tổng thống Barack Obama đã “khai sinh” Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động phát triển kỹ năng lãnh đạo và kết nối cho thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 35 tại 10 nước ASEAN (Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) thông qua hàng loạt chương trình, cam kết cụ thể, bao gồm tài trợ học bổng ươm mầm, tổ chức giao lưu văn hóa, trao đổi trong khu vực...
Đây còn được xem là cấu nối vững chắc cho mối quan hệ Mỹ - ASEAN. Theo website chính thức của chương trình, dự án YSEALI hướng đến 3 chủ đề trọng yếu, được chính các thành viên sinh sống tại khu vực Đông Nam Á phân tích, quyết định, bao gồm: hoạt động dân sự, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, kinh doanh và phát triển kinh tế.
Thông tin gần đây nhất từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết đến nay, hơn 67.000 thủ lĩnh trẻ đã đăng ký trở thành thành viên của YSEALI, trong đó có khoảng 13.000 là người Việt Nam.
Bình luận (0)