Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam vào ngày 23.5. Ít ai biết, thời còn ở trường trung học Punahou, ông Obama chơi bóng rổ rất giỏi và được bạn bè đặt biệt danh là ‘O’Bomber’ với những cú nhảy ném rổ từ khoảng cách xa.
Là tổng thống Mỹ - cường quốc số một của thế giới, Barack Obama phải bận rộn giải quyết những vấn đề hệ trọng trong nước và thế giới mỗi ngày nhưng điều này không ngăn cản niềm đam mê thể thao của ông, đặc biệt là bóng rổ.
Sân bóng rổ là nơi trốn sự cô độc
Thời còn ở trường trung học Punahou ở thành phố Honolulu, bang Hawaii, Obama chơi bóng rổ rất giỏi và được bạn bè đặt biệt danh là ‘O’Bomber’ bởi ông rất điêu luyện ở những cú nhảy ném rổ từ khoảng cách xa.
Ngày 23.5, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam. Trong chuyến công du của mình, ông Obama sẽ có mặt ở TP.HCM, nơi mà các người tiền nhiệm của ông từng ghé đến.
Cuối những năm 1970, trường Punahou sở hữu một trong những đội bóng rổ trung học xuất sắc nhất cả nước. Vào năm cuối cấp, Obama lọt vào đội tuyển AA đại diện cho trường thi đấu và giành giải vô địch bóng rổ toàn bang Hawaii vào năm 1979. Lên đại học, ông vẫn tiếp tục chơi bóng rổ khi có cơ hội.
Tổng thống Obama khi đang còn là học sinh và chơi cho đội tuyển của trường trung học Punahou ở Honolulu, bang Hawaii. Ảnh: Punahou School
Sau này khi đã làm tổng thống, hầu như dịp Giáng sinh nào, ông và gia đình cũng đi nghỉ ở Hawaii, thăm gia đình và gặp bạn bè cũ trên sân bóng rổ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam vào ngày 23.5. Ông chào đời vào một ngày đầu tháng 8 năm 1961 tại Hawaii. Ngoài vài năm sống ở Indonesia từ 1967 đến 1971 sau khi mẹ tái hôn, cả tuổi thơ của Tổng thống Mỹ gắn liền với những bãi biển, con sóng giữa Thái Bình Dương.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC News, ông Chris McLachlin, huấn luyện viên bóng rổ của Obama thời trung học kể lại rằng, Obama đi đâu cũng kè kè trái bóng rổ trên tay. Đây là quả bóng rổ mà người cha vắng mặt của ông tặng nhân dịp Giáng sinh năm 1971 (cha của Obama ly dị mẹ ông vào năm 1964).
McLachlin nói: “Tôi nhớ hình ảnh cậu ấy một tay dội bóng, một tay ôm sách. Tôi nhớ hình ảnh cậu ậy tập ném rổ vào giờ giải lao, giờ nghỉ trưa và sau khi tan học”.
Song có một hình ảnh Obama rất khác mà ngay cả những người bạn thân thiết nhất ở trường Punahou cũng không nhận ra. Đó là một Obama cô độc, luôn giằng xé về thân phận của mình, chủng tộc màu da của mình.
Với hơn 3.000 học sinh, Punahou là trường trung học tư thục lớn nhất nước vào thời bấy giờ. Phần lớn học sinh của trường đều là con em nhà giàu và tầng lớp thượng lưu nhưng Obama thì không.
Sân bóng rổ trở thành nơi để Obama trốn tránh nỗi cô độc. Sân bóng rổ là nơi để Obama khẳng định bản thân và hòa nhập với các học sinh da trắng khác. Và điều quan trọng hơn, sân bóng rổ là nơi Obama rèn luyện kỹ năng chơi đồng đội. Đó là kỹ năng mà ông sử dụng xuyên suốt cả cuộc đời, đặc biệt là trong những giây phút cân não để ra quyết định.
Từ sàn đấu đến sân khấu chính trị
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 11.2008 sau khi đắc cử tổng thống, Obama nói: “Thể thao luôn là một phần trọng tâm của cuộc đời tôi. Trong quá trình trưởng thành, tôi đã học hỏi về tinh thần thi đấu và làm việc tập thể trên sân bóng rổ”.
Tổng thống Obama chơi bóng rổ với các nhân viên Nhà Trắng. Ảnh: White House
Ông đã sử dụng bóng rổ như là một công cụ vận động trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2008. Trong chuyến thăm binh sĩ Mỹ ở Kuwait trước khi cuộc bầu cử diễn ra vài tháng, Obama đã biểu diễn cú nhảy ném rổ ăn 3 điểm từ xa. Đó là có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất để thể hiện phong cách lôi cuốn và trẻ trung của một ứng cử viên tổng thống.
Bóng rổ, đối với Obama, không chỉ là để rèn luyện sức khỏe và thể hiện hình ảnh nổi bật của cá nhân mà còn là phương tiện để vận động các mục tiêu chính sách. Trong cuốn sách Basketball and the Age of Obama (Bóng rổ và thời đại Obama), tác giả Alexander Wolff cho rằng bóng rổ là ‘chuẩn mực’ để Obama thực thi quyền lực tổng thống.
Ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên, Obama đã cho sửa sân tennis ở Nhà Trắng thành sân bóng rổ, nơi mà nhiều trận đấu giao lưu đã diễn ra giữa các nghị sĩ và các quan chức cấp cao của chính phủ như Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner. Obama cũng thường xuyên tận dụng các chuyến thăm truyền thống đến Nhà Trắng của đội vô địch giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) và các đội tuyển bóng rổ đại học để nói về các vấn đề giáo dục, cựu chiến binh hay kêu gọi ủng hộ các sáng kiến luật pháp chẳng hạn Đạo luật chăm sóc y tế hợp túi tiền (Affordable Care Act).
Tổng thốbg Obama uống bia khi đang dự khán một trận đấu của giải NBA giữa CLB Chicago Bulls và CLB Washington Wizards. Ảnh: Reuters
Alexander Wolff thậm chí liên hệ hình ảnh Obama như là một thủ lĩnh trên sân bóng rổ với hình ảnh Obama với tư cách là tổng tư lệnh nước Mỹ. Wolff liên tưởng phong cách chơi bóng của Obama với học thuyết ngoại giao ‘lãnh đạo từ đằng sau’ của ông.
Ông sẵn sàng nhường cú ném rổ cho đồng đội nếu họ ở vị trí quan sát thuận lợn hơn để ghi điểm. Mối quan tâm lớn nhất của ông là làm sao để thắng trận đấu. Và ông sẽ lên tiếng khiển trách nếu đồng đội thực hiện một cú ném quá tồi.
Obama cũng rất quyết liệt trên sân và trong những trận bóng rổ giao lưu, ông luôn yêu cầu những cầu thủ trẻ khỏe thi đấu với ông không được nhân nhượng.
Hiện nay, Obama không còn chơi bóng rổ nhiều nữa sau khi gặp chấn thương khá nặng trong một trận đấu vào năm 2010, khiến ông phải khâu 12 mũi.
Tuy nhiên, ông vẫn là fan bóng rổ nổi tiếng nhất với tư cách là tổng thống Mỹ. Đội bóng yêu thích của ông là Chicago Bulls ở bang Illinois và thần tượng của ông là huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, cựu cầu thủ của Chicago Bulls.
Thỉnh thoảng khi tập luyện ở phòng gym của Nhà Trắng, Obama bật kênh NBA Classics xem lại những pha trình diễn xuất sắc nhất trên sân bóng rổ. Obama ngưỡng mộ khả năng kiểm soát cảm xúc của Jordan trong những trận bóng rổ nảy lửa. Obama cho biết phong cách thủ lĩnh của Jordan đã truyền cảm hứng cho ông bình tĩnh xử lý những sự kiện căng thẳng chẳng hạn như vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da đen ở Ferguson và các vụ bạo loạn sau đó gây chấn động nước Mỹ vào năm 2014 hoặc những lúc ông phạm phải sai sót chính trị và hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ truyền thông và các nghị sĩ.
Bình luận (0)