Tổng thống Putin: 'Chúng tôi không muốn chiến tranh'
Ngày 15.2, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz , Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không muốn gây chiến với châu Âu, nhưng phản hồi của Mỹ và NATO đối với các đề xuất đảm bảo an ninh đã không đáp ứng các nhu cầu của Nga.
Tự động phát
“Chúng tôi xem những hạn chế áp đặt lên Nga là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Và các yêu cầu pháp lý dựa trên đề xuất của chúng tôi là nhằm giảm nhẹ mối đe dọa đó. Tôi muốn nhấn mạnh rằng câu trả lời cho các yêu cầu an ninh của chúng tôi do Mỹ và NATO đưa ra không giải quyết được 3 yêu cầu cơ bản từ Nga”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với châu Âu về vấn đề tên lửa:
“Nhiều năm qua, chính chúng tôi là bên đề nghị với các đối tác về việc đối thoại liên quan các hệ thống vũ khí châu Âu cụ thể, như là sự minh bạch về các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Chúng tôi không muốn chiến tranh, đương nhiên là không. Đó là lý do chúng tôi đưa ra đề nghị để bắt đầu đàm phán, nhằm có thể dẫn đến thỏa thuận về việc đảm bảo an ninh cho tất cả mọi người kể cả Nga”.
Tổng thống Putin cũng cho hay Nga sẽ hành động theo kế hoạch dựa vào tình huống thực tế.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định các khả năng ngoại giao vẫn còn mở rộng.
“Là lãnh đạo nhà nước và chính phủ, trách nhiệm và công việc của chúng ta chính là phải ngăn ngừa leo thang quân sự tại châu Âu. Tôi thấy một dấu hiệu tốt là Nga cho dù không đồng ý với câu trả lời của NATO và EU nhưng đã nói rằng vẫn có một số yếu tố tích cực", theo ông Scholz.
Thủ tướng Đức nối tiếp nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine |
Trước khi đến Moscow gặp Tổng thống Putin, ông Scholz đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kiev. Tại đó, ông Scholz nhấn mạnh rằng Nga sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và địa chiến lược nếu tiếp tục gây hấn quân sự đối với Ukraine.
Liên quan đến diễn tiến của khủng hoảng Nga-Ukraine, ngày 15.2, Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh binh sĩ về căn cứ sau khi tập trận gần Ukraine.
Tuy nhiên, NATO cho biết chưa có bằng chứng về việc giảm leo thang nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột quân sự. Nga hiện không công bố số lượng rút quân cụ thể. Nga đã triển khai khoảng 130.000 binh sĩ tại quanh khu vực phía bắc, đông và nam Ukraine, làm dấy lên lo ngại nguy cơ tấn công nước láng giềng.
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết ông muốn thấy dấu hiệu mạnh mẽ hơn từ Nga: “Có dấu hiệu từ Moscow rằng có thể tiếp tục ngoại giao, đem lại sự lạc quan đầy thận trọng. Nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy dấu hiệu giảm leo thang từ phía Nga”.
Nhiều hình ảnh mới trong ngày 15.2 cho thấy Nga tiếp tục tập trận quân sự, lần này là bắn đạn thật về phía Crimea.
Việc Nga phô trương lực lượng gần biên giới Ukraine khiến phương Tây liên tục cảnh báo trong nhiều tháng qua, cũng như cảnh báo sẽ trừng phạt nặng nề nếu Nga tấn công Ukraine.
Đỉnh điểm là gần đây, Anh và Mỹ đã cảnh báo Nga có thể tấn công nước láng giềng bất cứ lúc nào.
Ukraine không tin Nga sẽ mượn đường Belarus để tấn công |
Bình luận (0)