"Nga có thể dùng đến (vũ khí hạt nhân) trong trường hợp đặc biệt, như chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa. Tôi không cho rằng trường hợp như thế xảy ra. Không cần thiết (sử dụng vũ khí hạt nhân)", Tổng thống Putin nói.
Chính quyền Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014, và 4 khu vực khác của Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Nga xem những khu vực này là một phần không thể tách rời của Liên bang Nga, khiến giới quan sát lo ngại khả năng Moscow viện dẫn vũ khí hạt nhân trong trường hợp Kyiv giành lại quyền kiểm soát những vùng này.
Điểm xung đột: Nga chưa cần đòn hạt nhân ở Ukraine; Đức lo 5 năm nữa có chiến tranh
Bên cạnh đó, ông Putin cũng không loại trừ khả năng sẽ điều chỉnh học thuyết hạt nhân, vốn liệt kê những điều kiện buộc Moscow phải dùng đến vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin cũng nói rằng nếu cần thiết Nga có thể thử vũ khí hạt nhân, dù ông chưa thấy nhu cầu cần phải làm điều đó trong hiện tại.
Sau tuyên bố trên của Tổng thống Putin, ông Pranay Vaddi, Giám đốc phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết Washington đang cân nhắc khả năng gia tăng số đầu đạn hạt nhân trong những năm tới.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở thủ đô Washington hôm 7.6, ông Vaddi cho hay sắp tới Mỹ có thể cần triển khai thêm vũ khí hạt nhân so với mức độ hiện tại. "Chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ để thi hành một khi tổng thống đưa ra quyết định (tấn công hạt nhân)", Reuters dẫn lời ông Vaddi.
Số đầu đạn hạt nhân chiến lược hiện tại của Mỹ đang ở mức 1.550, dựa trên Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) ký kết với Nga từ năm 2010. New START sẽ hết hạn vào năm 2026, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy hiệp ước sẽ được Mỹ và Nga gia hạn.
Quan chức Mỹ cũng cảnh báo Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của họ với tốc độ chóng mặt. Vì thế, Mỹ cần phải thay đổi để kịp thời ứng phó mối đe dọa gia tăng từ nhóm nước này.
Bình luận (0)