Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc trước chuyến thăm Bắc Kinh tuần này, Tổng thống Putin khẳng định Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán để giải quyết cuộc chiến đã kéo dài hơn hai năm với Ukraine.
Theo nhà lãnh đạo Nga, kế hoạch của Trung Quốc cũng như một số "nguyên tắc" khác mà Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào tháng trước đã tính đến các yếu tố đằng sau xung đột.
"Chúng tôi đánh giá tích cực về cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine... Ở Bắc Kinh, họ thực sự hiểu nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa địa chính trị của chuyện này trên phạm vi toàn cầu", ông Putin cho biết trong cuộc phỏng vấn được Tân Hoa xã công bố ngày 15.5.
Tổng thống Nga cho rằng 4 nguyên tắc bổ sung mà ông Tập nêu ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Bắc Kinh gần đây là "bước đi thực tế và mang tính xây dựng" nhằm "vun đắp ý tưởng rằng chúng ta cần phải vượt qua tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14.5 thông báo ông Putin sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 16-17.5, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới.
Điểm xung đột: Ác mộng cho Ukraine; Hạm đội Biển Đen tổn thất ra sao?
Cách đây hơn một năm, Bắc Kinh đã công bố lập trường "12 điểm" vạch ra những nguyên tắc chung để chấm dứt chiến sự ở Ukraine nhưng không đi sâu vào chi tiết. Vào thời điểm đó, kế hoạch này đã được đón nhận nồng nhiệt ở cả Moscow và Kyiv.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tháng trước nói đề xuất của Bắc Kinh là "kế hoạch hợp lý mà nền văn minh Trung Quốc vĩ đại đưa ra để thảo luận", theo Reuters.
Các nguyên tắc bổ sung của ông Tập kêu gọi "hạ nhiệt" tình hình, tạo điều kiện để khôi phục hòa bình, thiết lập trạng thái ổn định và giảm thiểu tác động đến kinh tế thế giới.
Nga coi xung đột với Ukraine là cuộc đấu tranh chống lại "tập thể phương Tây", cáo buộc phương Tây phớt lờ những lo ngại của Moscow về an ninh khi thúc đẩy NATO mở rộng về phía đông và tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới nước này.
Nga gọi cuộc chiến ở Ukraine là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp Ukraine và chống lại chủ nghĩa phát xít. Ukraine và phương Tây cho rằng cáo buộc của Moscow về chủ nghĩa phát xít là vô căn cứ.
Nga và Trung Quốc tuyên bố mối quan hệ "không giới hạn" chỉ vài ngày trước khi Moscow đưa quân sang Ukraine vào tháng 2.2022. Song cho đến nay, Bắc Kinh vẫn né tránh cung cấp vũ khí và đạn dược thực sự cho quân đội Nga.
Trong khi đó, kế hoạch hòa bình "10 điểm" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới về tình trạng năm 1991 và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Một "hội nghị hòa bình" mà Kyiv thúc đẩy lâu nay dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6. Tuy nhiên, Nga không được mời, cho rằng sáng kiến này là vô nghĩa và nói các cuộc đàm phán phải tính đến "thực tế mới".
Trung Quốc đã tham dự một số cuộc đàm phán được xem là bước đệm cho hội nghị và Ukraine đã triển khai những nỗ lực lớn để thuyết phục Bắc Kinh tham dự sự kiện tại Thụy Sĩ.
Bình luận (0)