Ngày 26.4 đánh dấu tròn 30 năm kể từ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô). Đã ba thập kỷ trôi qua nhưng thảm họa Chernobyl vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
TASS dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26.4 bày tỏ: "Thảm họa hạt nhân Chernobyl đã trở thành bài học quan trọng cho toàn nhân loại. Thảm họa đó cho đến nay vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người và môi trường".
Theo nhà lãnh đạo Nga, quy mô của thảm họa này có thể còn lớn hơn rất nhiều nếu không có sự nỗ lực và can đảm của những người lính cứu hỏa, những nhân viên quân sự, chuyên gia thời điểm đó. "Nhiều người trong số họ đã hy sinh tính mạng của mình để cứu nhiều người khác", ông Putin nói.
Tổng thống Putin cho rằng thế hệ sau phải nhớ ơn những người anh hùng đã hy sinh thân mình, tham gia xử lý hậu quả của thảm họa kinh hoàng năm đó. Thế hệ sau cần tri ân những người đã khuất, đồng thời không quên hỗ trợ gia đình họ và tiến hành nhiều hoạt động xã hội cần thiết hơn nữa.
|
Ngày 26.4.1986, trong quá trình thử nghiệm, điện áp tại một lò phản ứng hạt nhân tăng đột ngột khiến tổ máy số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ. Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hòa bình Xanh, thảm họa hạt nhân Chernobyl đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường kéo dài đến hàng nghìn năm sau. Nghiên cứu này khẳng định: "Chưa bao giờ lịch sử nhân loại lại chứng kiến số lượng lớn đồng vị phóng xạ phát tán ra môi trường lâu dài như vậy chỉ trong một vụ việc duy nhất".
Sau 30 năm kể từ thảm họa Chernobyl, Pripyat - thị trấn nằm gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - vẫn không có người sinh sống. Theo ước tính của các nhà khoa học, thị trấn này sẽ vẫn trong cảnh không người trong ít nhất 3.000 năm bởi mức độ nhiễm xạ quá cao tại đây.
Bình luận (0)