Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Washington sẽ tham gia đàm phán với Nga tại Ả Rập Xê Út (dự kiến từ ngày 18.2), nhưng nhấn mạnh "chưa có thỏa thuận cuối cùng" và Ukraine cùng châu Âu cần tham gia tiến trình này.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio
ẢNH: REUTERS
Phát biểu ngày 16.2, ông Trump tiết lộ đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã gặp ông Putin trong 3 giờ, khẳng định cả hai nhà lãnh đạo đều muốn kết thúc xung đột.
"Nga có một bộ máy to lớn, mạnh mẽ, cần hiểu như vậy. Và Nga đã đánh bại Hitler, đã đánh bại Napoleon. Nga đã chiến trận suốt một thời gian dài. Nhưng tôi nghĩ rằng ông Putin cũng muốn dừng chiến sự", ông Trump nói.Tổng thống Trump cũng nhận được câu hỏi về thời điểm có thể diễn ra cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Nga Putin.

Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff
ẢNH: REUTERS
"Chưa có quyết định về thời gian. Nhưng có thể là rất sớm thôi", ông Trump trả lời.
Ông Trump nói đang nỗ lực để đạt đến hòa bình, và ông tin rằng cả Tổng thống Putin lẫn Tổng Ukraine Volodymyr Zelensky đều muốn ngừng xung đột.
Tuy nhiên, ông Zelensky đã phản đối mọi thỏa thuận không có sự tham gia của Kyiv. Ông cũng cảnh báo Nga có thể tấn công NATO nếu Mỹ giảm hỗ trợ liên minh, nhưng ông Trump sau đó đã bác bỏ lo ngại này.
Về phía Nga, Điện Kremlin hoan nghênh đối thoại Mỹ-Nga nhưng nghi ngờ tính độc lập của Ukraine trong đàm phán. Phát ngôn viên Dmitry Peskov nhắc lại thất bại của Thỏa thuận Minsk 2014-2015 và các cuộc đàm phán Istanbul 2022, đồng thời nhấn mạnh giải pháp lâu dài phải dựa trên "thực tế hiện trường" – ám chỉ vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát. Moscow cũng bác bỏ kế hoạch ngừng bắn tạm thời, đòi hỏi một thỏa thuận pháp lý toàn diện.
Trong bối cảnh căng thẳng, Mỹ dự kiến đóng vai trò trung gian, nhưng châu Âu tỏ ra lo ngại về việc bị gạt khỏi tiến trình hòa bình. Cuộc gặp tại Riyadh được xem như bước khởi đầu, nhưng cả Ukraine lẫn NATO đều khẳng định không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Bình luận (0)