Tại cuộc gặp, bà Harris nói Ukraine không nên tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, động thái mà các quan chức Mỹ tin rằng sẽ khiến giá năng lượng thế giới leo thang và khiến Moscow đáp trả Ukraine quyết liệt hơn.
Yêu cầu này được cho là đã khiến ông Zelensky và các cố vấn cấp cao của Ukraine khó chịu, khi Kyiv coi các đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào các cơ sở năng lượng của Nga là điểm sáng hiếm hoi trong xung đột với Moscow.
“Giá năng lượng tăng có nguy cơ làm giảm sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine”, một quan chức Mỹ nói.
Các nguồn tin cho biết ông Zelensky đã phớt lờ yêu cầu của phía Mỹ với lý do ông không chắc đây có phải lập trường thống nhất từ chính quyền Tổng thống Joe Biden hay không.
Song trong nhiều tuần sau đó, Washington đã lặp lại cảnh báo này trong nhiều cuộc đối thoại với Ukraine, bao gồm chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đến Kyiv hồi tháng 3.
Ukraine đã làm điều ngược lại với lập trường của Mỹ, khi tăng cường các đợt tập kích vào hạ tầng năng lượng của Nga, bao gồm cuộc tấn công ngày 2.4 vào TANECO, nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu, khuyên Ukraine nên tập trung vào các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến hiện tại.
Theo báo Ukrainska Pravda, Mỹ cho rằng những vụ tấn công nhà máy lọc dầu không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chiến đấu của Moscow, trái lại có nguy cơ Nga phát động cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào hạ tầng lưới điện của Ukraine.
Ở chiều ngược lại, một số quốc gia châu Âu đồng tình với quyết định của Kyiv. Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna tin rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga là hợp lý vì qua đó giúp hạn chế doanh thu của Nga và khiến Moscow khó tiến hành chiến sự hơn.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs nói rằng Kyiv có mọi quyền tấn công nhà máy lọc dầu của Nga sau đợt tấn công mới nhất của Moscow vào Ukraine.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết Ukraine có quyền tấn công “các mục tiêu quân sự hợp pháp” bên ngoài biên giới quốc gia.
Bình luận (0)