Tổng thống Zelensky muốn gặp Tổng thống Putin đàm phán

22/03/2022 19:36 GMT+7

Trong ngày 22.3, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục vây hãm một số thành phố như thủ đô Kyiv, Kharkhiv, Sumy và Chernihiv. Nhưng tâm điểm chú ý hiện là Mariupol , thành phố cảng quan trọng ở đông nam, nơi quân đội Nga hầu như đã cắt đứt mọi đường tiếp viện.

Sau gần 4 tuần mở chiến dịch quân sự, quân đội Nga vẫn không chiếm được thành phố lớn nào. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng bác bỏ tối hậu thư của Nga đưa ra về việc buông vũ khí ngừng kháng cự tại Mariupol.

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych hôm 22.3 nhận định rằng một trong những ưu tiên của Nga là kiểm soát thủ đô Kyiv, nhưng cố gắng làm điều này đồng nghĩa với “tự sát". Quân đội Ukraine hôm 22.3 thông báo trên Facebook rằng đã chiếm lại được quyền kiểm soát thị trấn Makariv, cách thủ đô Kyiv khoảng 48km.

Khói bốc lên từ một khu công nghiệp ở Mariupol sau hàng loạt vụ nổ

reuters

Trong lúc giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt, Tổng thống Zelensky tối 21.3 nói rằng ông sẵn sàng thảo luận về việc ngừng bắn, Ukraine cam kết không gia nhập NATO, đổi lại Nga sẽ rút quân và đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Ukraine, ông Zelensky nói giải pháp này “là sự nhượng bộ có lợi với tất cả các bên: phương Tây là bên không biết làm gì khi Ukraine muốn gia nhập NATO, Ukraine thì muốn có sự đảm bảo an ninh, còn Nga thì không muốn NATO mở rộng”.

Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thỏa hiệp nào đạt được trong cuộc đàm phán đều phải có được sự hậu thuẫn của nhân dân thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Tổng thống Zelensky cũng lặp lại lời kêu gọi về một cuộc gặp trực tiếp giữa ông với Tổng thống Vladimir Putin. Ông nói: “Tôi tin rằng không có cuộc gặp này thì không thể biết được rằng Nga sẵn sàng làm điều gì để kết thúc cuộc chiến”.

Trước đó cùng ngày, phía Nga đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Zelensky về một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin. Điện Kremlin cho rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên “chưa có tiến triển đáng kể”.

Hai mẹ con người sơ tán từ Ukraine đến nhà ga trung tâm ở Goerlitz, Đức

reuters

Khi đàm phán vẫn chưa có tiến triển thuận lợi, thì thương vong dân thường tiếp tục tăng. Cơ quan nhân quyền LHQ xác nhân đã có trên 900 dân thường thiệt mạng và trên 1.500 người bị thương, trong khi con số thật sự có thể còn cao hơn nhiều.

Theo LHQ, gần 6,5 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó trên 3,5 triệu người đã di tản ra nước ngoài. Riêng nước láng giềng Ba Lan đã đón hơn 2 triệu người di tản. Mới đây nhất, bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc sơ tán dân thường tại Mariupol sẽ sớm được thực hiện.

Đại hội đồng LHQ dự kiến trong tuần này sẽ bỏ phiếu cho một nỗ lực nhằm chỉ trích Nga về khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra tại Ukraine.

David Beckham giao tài khoản Instagram cho bác sĩ nhi ở Ukraine

Nga đã bị áp đặt nhiều lệnh cấm vận nặng nề chưa từng có vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, trong những cuộc họp mới đây, châu Âu chưa thể đạt được nhất trí về việc cấm vận ngành năng lượng của Nga. Đức và Hà Lan cho rằng EU hiện vẫn còn quá phụ thuộc vào dầu khí Nga nên chưa thể cấm vận ngay lúc này. Một số lựa chọn cấm vận khác cũng đang được xem xét, như cấm thêm ngân hàng Nga truy cập hệ thống SWIFT toàn cầu.

Trong khi đó, hãng năng lượng Nga Gazprom hôm 22.3 khẳng định vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo yêu cầu của khách hàng.

Rạng sáng nay (22.3, theo giờ VN), giá WTI tăng 6,78% lên mức 111,8 USD/thùng và dầu Brent tăng 7,36% lên mức 115,87 USD/thùng, theo Bloomberg.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.