Tổng thống Zelensky nói Ukraine 'không ngây thơ' sau vòng đàm phán mới

30/03/2022 10:31 GMT+7

Ukraine vẫn giữ sự nghi ngờ sau khi Nga hôm 29.3 thông báo sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh Kyiv và Chernihiv để "tạo lòng tin" trong vòng đàm phán trực tiếp mới nhất. Mỹ cũng cảnh báo mối đe dọa vẫn chưa kết thúc.

Vòng hòa đàm thứ 4 diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hơn một tháng sau khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu. Tại đây Ukraine cũng đề xuất áp dụng quy chế trung lập, đánh dấu khả năng tiến triển trong đàm phán.

Đà tiến của Nga đã chậm lại trên hầu hết các mặt trận bởi sự kháng cự gay gắt từ các lực lượng Ukraine.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin sau cuộc đàm phán hôm 29.3 cho biết: "Nga đã quyết định giảm mạnh, giảm sâu hoạt động quân sự ở hướng Kyiv và Chernihiv".

Hai phái đoàn Nga-Ukraine trong cuộc hòa đàm hôm 29.3 tại Thổ Nhĩ Kỳ

reuters

Ông không đề cập đến các khu vực khác hiện đang giao tranh khốc liệt như Mariupol ở phía đông nam, Sumy và Kharkiv ở phía đông và Kherson và Mykolaiv ở phía nam.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối ngày 29.3 nói: "Người Ukraine đâu phải ngây thơ. Người Ukraine đã học được trong suốt 34 ngày qua, và sau 8 năm xung đột ở Donbass, rằng điều duy nhất có thể tin tưởng là một kết quả thật cụ thể".

Ông Zelensky cũng nói rằng: “Chúng tôi có thể nói rằng những tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực nhưng nó không át được tiếng nổ của đạn pháo Nga".

Bộ tham mưu quân đội Ukraine nói rằng lời hứa giảm hoạt động quân sự của Nga ở một số vùng có lẽ là để "xoay vòng các đơn vị riêng lẻ".

Dù quan sát được một số lượng quân rất nhỏ xung quanh Kyiv có dấu hiệu rút lui, nhưng Lầu Năm Góc cho rằng điều này không có nghĩa là mối đe dọa đã hết đối với Kyiv.

Ngược lại, Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine trong các thành phố bị vây hãm đang lợi dụng thời gian ngừng bắn để phục hồi năng lực chiến đấu và đặt các hỏa điểm ở trường học và bệnh viện.

Lãnh đạo đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng vẫn còn một quá trình dài để đạt được thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã điện đàm với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức và Ý. Reuters dẫn một nguồn tin cho biết họ đã thảo luận viện trợ lên đến 500 triệu USD cho Ukraine.

Trong khi đó, 10 máy bay F-18 của Mỹ và hơn 200 binh sĩ đang được triển khai tới Lithuania, một nước thành viên NATO ở sát Nga, còn quân đội Mỹ ở Ba Lan đang "liên lạc" với các lực lượng Ukraine để bàn giao vũ khí, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.