Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh: Văn hóa giúp tăng cường liên kết cộng đồng

20/04/2014 18:10 GMT+7

(TNO) Sau 2 ngày làm việc, chiều 20.4, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN lần thứ 6 (AMCA 6) và Hội nghị liên quan với các nước đối thoại, bao gồm cơ chế ASEAN +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã bế mạc.

(TNO) Sau 2 ngày làm việc, chiều 20.4, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN lần thứ 6 (AMCA 6) và Hội nghị liên quan với các nước đối thoại, bao gồm cơ chế ASEAN +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã bế mạc.

Văn hóa giúp tắng cường liên kết cộng đồng ASEAN
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh - Ảnh: Đình Toàn

Các bộ trưởng cũng đã thống nhất về nguyên tắc thông qua Tuyên bố Huế 2014 về vai trò văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN.

Chung quanh hội nghị AMCA 6, trao đổi với PV Thanh Niên Online, Tổng thư ký (TTK) ASEAN Lê Lương Minh cho rằng văn hóa đã và đang là một công cụ hữu hiệu trong việc hình thành bản sắc chung của khu vực, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tôn trọng các nền văn hóa đa dạng, đồng thời thúc đẩy đối thoại xã hội.

Khu vực Đông Nam Á hiện nay đang sở hữu 33 di sản thế giới được UNESCO công nhận mang giá trị nổi bật toàn cầu, 21 trong số đó là di tích văn hóa, điều này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đối với cộng đồng của chúng ta.

Bên cạnh đó, văn hóa và truyền thống các nước cũng giúp ngày càng nhiều du khách tới thăm khu vực ASEAN. Đó là nhờ vào sự đa dạng và giàu có về văn hóa. ASEAN vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài khu vực với chỉ số tăng trưởng là 14,51% và 9,9%. Điều này làm cho lượng khách du lịch ASEAN tăng lên 12%, đạt con số 90,2 triệu lượt trong năm 2013, đồng thời cũng cho thấy văn hóa là yếu tố thúc đẩy du lịch trở thành thành tố định hướng chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ASEAN.

Văn hóa giúp tắng cường liên kết cộng đồng ASEAN 2
Đại biểu các nước ASEAN thưởng thức một số tiết mục Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, một kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại - Ảnh: Đình Toàn 

* Chúng tôi được biết ASEAN đang thực hiện kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vai trò của văn hóa đối với quá trình liên kết giữa con người với con người trong bản kế hoạch tổng thể đó?

- Ông Lê Lương Minh: Năm 2010, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê chuẩn Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, với mục tiêu tăng cường toàn diện cơ sở vật chất, kết nối về thể chế và liên kết giữa con người với con người.

Là một trong ba định hướng của Kết nối ASEAN, liên kết giữa con người và con người là chất xúc tác về văn hóa - xã hội, hỗ trợ nhiều sáng kiến khác nhau hướng đến việc thiết lập kết nối rộng về cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho những cải cách về thể chế và chính sách cần thiết để đảm bảo kết nối lâu bền thể chế trong khu vực ASEAN. Để thực hiện công việc này, ASEAN tập trung vào một số sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa hiểu biết về văn hóa - xã hội ASEAN và khuyến khích việc đi lại nội khối của người dân ASEAN.

Nhân dịp này, tôi xin khẳng định vai trò của văn hóa trong quá trình tăng cường liên kết giữa con người với con người, đặc biệt thông qua những lĩnh vực thanh niên, giáo dục và thông tin. Chúng tôi cũng sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá về ASEAN và thông báo cho người dân được biết về tiến trình hội nhập ASEAN thông qua Dự án Trung tâm Học tập trực tuyến ASEAN (AVLRC). Đây là diễn đàn về thông tin để giúp người dân trong khu vực hiểu biết sâu sắc hơn về hợp tác ASEAN. Dự án này sẽ được phát triển qua nhiều giai đoạn, trong đó bước đầu tập trung giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người ASEAN, các thắng cảnh, lĩnh vực giáo dục, thanh niên và công nghệ thông tin trong khu vực. Dự án dự kiến hoàn tất vào năm 2015.

* Ông nghĩ gì về vai trò của văn hóa đối với thế hệ trẻ hiện nay?

- Ông Lê Lương Minh: Thế hệ trẻ hiện nay sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Do đó, họ chính là lực lượng định hướng cho sự phát triển của ASEAN. Chính vì vậy, họ cần được trang bị kiến thức và sự hiểu biết đầy đủ về các nền văn hóa, lịch sử và nền văn minh đa dạng trong ASEAN.

Khi chúng ta nhắc tới cộng đồng ASEAN với sự dịch chuyển tự do hơn của lực lượng lao động, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều nhóm người lao động khác nhau về quan điểm sống và kinh nghiệm. Bởi vậy, chúng ta cần đào tạo thế hệ trẻ với khả năng thích ứng tốt về văn hóa, sự thông minh về cảm xúc để từ đó có khả năng làm việc trong các môi trường văn hóa và thị trường lao động khác nhau trong ASEAN.

Tôi tin tưởng rằng văn hóa sẽ giúp chúng ta gieo mầm sáng tạo và đổi mới trong thế hệ trẻ. Đối với tầng lớp này, họ có thể học hỏi cách tiếp cận thông tin mới, giúp họ trở thành những người tham gia tích cực và sáng tạo vào các hoạt động văn hóa. Đây chính là những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21.

* Xin cảm ơn ông!

Bùi Ngọc Long - Đình Toàn
(thực hiện)

>> Xây dựng chiến lược văn hóa cho Cộng đồng ASEAN
>> Văn hóa là nhân tố quan trọng để cộng đồng ASEAN phát triển bền vững
>> Trao giải cuộc thi tìm hiểu về cộng đồng ASEAN
>> Thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.