Sáng 17.12, tại phiên họp 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình về hồ sơ đề án sắp xếp các huyện, xã của 11 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và thành lập đơn vị hành chính tại tỉnh Đắk Nông.
Theo tờ trình của Chính phủ thì sẽ có 324 đơn vị cấp xã và 4 đơn vị cấp huyện sẽ tiến hành sắp xếp theo đề án của 11 tỉnh, thành phố. Đây đã là đợt thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các nghị quyết về sắp xếp các huyện, xã của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Ngoài ra, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập thành phố Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông.
|
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thì trong số 11 tỉnh, thành phố trình đề án lần này, có 3 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện đảo Cô Tô, huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị) và 24 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp do những lý do đặc thù về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Hai xã sáp nhập, ai làm báo cáo chính trị đại hội đảng?
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ việc chưa sắp xếp các huyện, xã tại một số địa phương thuộc diện phải sắp xếp như Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị. Theo bà Phóng, khác với các xã đồng bằng, một xã miền núi như ở Hà Giang thậm chí đi cả ngày không hết nên việc sắp xếp các xã vùng cao không đơn giản. Riêng đối với thị xã Quảng Trị, bà Phóng cũng đồng tình chưa sắp xếp vì đây là địa danh gắn liền với yếu tố lịch sử, cách mạng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, sau khi sáp nhập thì vị trí đặt trung tâm xã, tên gọi của xã mới sau sáp nhập, việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất liên quan… đều phải tính toán kỹ lưỡng nếu không sẽ gây ra “tranh cãi”, thậm chí lãng phí nguồn lực.
“Tôi đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng Chính phủ, địa phương sắp tới sẽ phải làm nhiều việc. Cần hướng dẫn chi tiết nếu không sẽ lúng túng. Chưa kể đại hội đảng các cấp cũng tới nơi rồi”, ông Hiển nêu.
Cùng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra chưa thấy nhắc tới hiệu quả cũng như tác động của việc hợp nhất các huyện, xã.
“Quý 1 năm 2020 là các xã bắt đầu đại hội Đảng cơ sở rồi. Vậy khi hợp nhất thì liên quan tới quỹ thời gian có đủ cho việc chuẩn bị đại hội Đảng không? Hai xã sáp nhập vào thì đương nhiên phải chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng cơ sở. Rồi báo cáo chính trị tất cả các thứ thì ai làm cái này, có kịp không? Rồi hợp nhất Hội đồng nhân dân, chính quyền địa phương trong thời gian ngắn như vậy thì có tác động gì không?”, ông Phúc nêu một loạt vấn đề.
Một vấn đề khác, theo ông Phúc là việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập. Theo Tổng thư ký Quốc hội, hiện nay phương án sau sáp nhập là giữ nguyên số cán bộ của các huyện, xã được sáp nhập.
“Điều này tôi phải đánh giá kỹ vì anh em rất khó xử lý cái này. Chúng ta cho cộng dồn (số biên chế cán bộ - phóng viên) nhưng còn phân công công việc. Bây giờ cứ một việc mà tới 2 người làm”, ông Phúc nêu và nói thêm, một việc khó nữa là sau khi sáp nhập điều động cán bộ đang từ xã này mà sang xã khác thì không biết anh em có đi không?
Tới cuối năm 2022 sẽ giải quyết xong cán bộ dôi dư sau sáp nhập
Giải đáp các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, một số đơn vị nằm trong diện phải sắp xếp mà tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn này thì Bộ Nội vụ đều đã xuống làm việc với địa phương và thống nhất là chưa sắp xếp trong đợt này.
|
Đối với việc chọn trụ sở các huyện, xã sau sáp nhập, tên gọi, sử dụng cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế… ông Tân cho biết, đều có trong đề án của các địa phương. “Hầu hết lấy cơ sở vật chất cũ để tiếp tục sử dụng chứ không xây dựng mới. Trong 2, 3 xã sáp nhập thì phương án là chọn vị trí trung tâm”, ông Tân thông tin.
Đối với vấn đề giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay đang thực hiện theo 4 chính sách, gồm: giải quyết chế độ cho thôi việc; theo chế độ đối với cán bộ cấp xã không tái cử; theo chế độ tinh giản biên chế và cho phép địa phương ban hành chính sách riêng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người thuộc diện sắp xếp.
"Thời gian sắp xếp cán bộ là 5 năm từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực. Theo đề án mà các địa phương xây dựng trình lên thì tới cuối năm 2022 là các địa phương sẽ hoàn thành việc sắp xếp với các cán bộ tại các đơn vị sáp nhập", ông Tân thông tin.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua 12 nghị quyết phê duyệt đề án sắp xếp các huyện, xã của 11 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và đề án thành lập thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông.
Theo hồ sơ đề án trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hòa Bình sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Kỳ Sơn với thành phố Hòa Bình và sắp xếp 106 đơn vị cấp xã, giảm 59 xã sau sáp nhập.
Tỉnh Hà Giang sẽ sắp xếp 4 đơn vị cấp xã, giảm 2 đơn vị. Tuy nhiên, tỉnh Hà Giang còn 12 xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2020 này.
Tỉnh Phú Thọ sắp xếp 80 đơn vị, giảm 52 đơn vị.
Tỉnh Hà Nam sắp xếp 12 đơn vị cấp xã, giảm 7 đơn vị đồng thời thành lập thị xã Duy Tiên và thị trấn Tân Thanh thuộc huyện Thanh Liêm.
Tỉnh Quảng Ninh nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và sắp xếp 16 đơn vị cấp xã, giảm 9 đơn vị cấp xã.
Tỉnh Nghệ An sắp xếp 39 đơn vị, giảm 20 đơn vị cấp xã.
Tỉnh Quảng Trị sắp xếp 33 đơn vị, giảm 16 đơn vị cấp xã.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế sắp xếp 14 đơn vị cấp xã, giảm 7 đơn vị.
Tỉnh Lâm Đồng sắp xếp 10 đơn vị cấp xã, giảm 5 đơn vị so với hiện nay.
Tỉnh Đồng Tháp sắp xếp 2 đơn vị, giảm 1 đơn vị.
Tỉnh Long An sắp xếp 8 đơn vị, giảm 4 đơn vị so với hiện nay.
Tỉnh Quảng Ninh có một đơn vị cấp huyện là huyện đảo Cô Tô thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh đề nghị không sắp xếp do huyện đảo Cô Tô nằm biệt lập với đất liền.
Tỉnh Quảng Trị cũng có 2 đơn vị thuộc diện này là huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị nhưng tỉnh cũng đề nghị không sắp xếp trong đợt này do huyện đảo Cồn Cỏ nằm biệt lập với đất liền còn thị xã Quảng Trị có các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, cách mạng, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội… Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xem xét mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị.
|
Bình luận (0)