Tổng và Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý bị đề nghị mức án 7-13 năm tù

29/03/2024 15:26 GMT+7

Đại diện Viện KSND tỉnh Cà Mau đề nghị mức án từ 7 - 13 năm tù đối với 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Công Lý.

Ngày 29.3, TAND tỉnh Cà Mau tiếp tục xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án (DA) đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) làm chủ đầu tư.

Theo đó, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tô Công Lý (40 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý; là con bị cáo Tô Hoài Dân) từ 12 - 13 năm tù; Tô Hoài Dân (63 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Công Lý) và Nguyễn Bá Đam (40 tuổi, nhân viên Công ty Công Lý) từ 7 - 8 năm tù.

Trong phần xét hỏi, 3 bị cáo phản cung toàn diện, cho rằng không có việc lập hồ sơ khống 2 hạng mục công trình để lấy của nhà nước số tiền hơn 7,3 tỉ đồng như cáo buộc của Viện KSND. Cả 3 bị cáo cho rằng, trong quá trình điều tra, do không được minh mẫn, bị ảnh hưởng tâm lý nên thừa nhận hành vi phạm tội. 

Trước việc 3 bị cáo phản cung, đại diện Viện KSND khẳng định "không có cơ sở chấp nhận".

Các biên bản ghi lời khai, hỏi cung của điều tra viên còn có nhiều bản tự khai do chính tay các bị cáo viết. Khi kết thúc biên bản, các bị cáo tự ghi nhận đã đọc lại biên bản. Đồng thời, có nhiều biên bản ghi lời khai được tiến hành khi 3 người chưa bị khởi tố bị can, chưa bị tạm giam. 

"Việc ghi lời khai, hỏi cung đối với các bị cáo có một khoảng thời gian dài với rất nhiều lời khai, biên bản hỏi cung các bị cáo đều khai sức khỏe bình thường, tinh thần tỉnh táo, đủ điều kiện làm việc. Các bị cáo khai không bị ép cung, xin giữ nguyên lời khai", đại diện Viện KSND nêu.

Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra, bị cáo Dân ký công văn số 01 gửi Viện KSND tối cao về việc thay đổi lời khai. Sau đó, kiểm sát viên Viện KSND tối cao đã làm việc với bị cáo Dân và bị cáo cho rằng công văn này do luật sư hướng dẫn, tự soạn thảo. Do tin tưởng luật sư, bị cáo ký văn bản số 01 mà không đọc kỹ nên bị cáo đề nghị được giữ nguyên lời khai với Cơ quan điều tra Bộ Công an. 

Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa cũng thông tin, DA Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư là DA duy nhất trên cả nước được nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư theo quy định. Lẽ ra, các bị cáo phải sử dụng tiền của nhà nước sao cho có hiệu quả, đúng quy định nhằm góp phần vào việc bảo vệ môi trường ở địa phương nhưng các bị cáo đã lợi dụng chính sách của nhà nước bằng thủ đoạn gian dối, làm khống 2 hạng mục công trình xây dựng để chiếm đoạt số tiền hơn 7,3 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội… Cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan sai.

Lập khống 2 dự án, chiếm đoạt hơn 7,3 tỉ đồng

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với DA trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 04/2009 của Chính phủ, trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau (từ năm 2009 - 2012), bị cáo Tô Công Lý đã trực tiếp chỉ đạo bị cáo Nguyễn Bá Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình, gồm: "Hệ thống xử lý nước thải" và "Khu tiếp nhận và phân tách rác", trị giá hơn 14,604 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, Tô Công Lý trình cho cha mình là Tô Hoài Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành DA và để bị cáo Dân ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho 2 hạng mục công trình khống với số tiền hơn 7,3 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.