Reuters ngày 18.1 dẫn lời Phó trưởng phái bộ Tonga tại Úc Curtis Tu’ihalangingie cho hay các đảo rìa ngoài của Tonga chịu thiệt hại nặng nề bởi núi lửa và sóng thần hôm 15.1. “Người dân hoảng loạn, chạy và bị thương. Có lẽ còn có nhiều người tử vong, nhưng chúng tôi cầu nguyện không phải như vậy”, ông chia sẻ.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai trước và sau vụ phun trào ngày 15.1 |
Reuters |
Làng mạc, công trình biến mất
Ông Tu’ihalangingie cho biết hình ảnh từ những chuyến bay thăm dò của Lực lượng phòng vệ New Zealand cho thấy cảnh tượng “báo động”. Các đảo Fonoifua, Niniva, Nomuka và Mango chịu thiệt hại ở mức từ nặng đến thảm họa, trong đó có một ngôi làng bị phá hủy trên đảo Mango và nhiều công trình biến mất trên đảo Atata lân cận.
Tonga gồm 176 đảo, trong đó 36 đảo có dân số 104.494 người. Theo Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc Zed Seselja, giới chức Tonga hy vọng sẽ sơ tán người dân khỏi các đảo cô lập và ở vùng thấp trong nhóm đảo Ha’apai và các đảo rìa ngoài khác, nơi nhiều nhà cửa bị sóng thần phá hủy. Sân bay chính Fua’amotu bị tro bụi dày bao phủ và chỉ có thể hoạt động sớm nhất vào ngày 19.1, do việc thu dọn được thực hiện thủ công.
Tro núi lửa sau sóng thần Tonga dây quan ngại lớn |
Các bộ trưởng của Tonga cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng hàng thiết yếu. Bộ Ngoại giao New Zealand cho hay 2 tàu HMNZS Wellington và HMNZS Aotearoa đã lên đường chở hàng tiếp tế cùng nhóm khảo sát và một trực thăng đến Tonga. Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho hay các máy bay C-130 của Úc có thể viện trợ nhân đạo trong đó có thiết bị lọc nước cho Tonga, trong khi tàu HMAS Adelaide sẽ mất 5 ngày hành trình để đưa nhân viên y tế, kỹ sư và trực thăng đến hỗ trợ phân phối hàng cứu trợ. Mạng di động quốc tế Digicel lập một hệ thống tạm thời ở Tonga, trong khi công ty Subcom (Mỹ) đang phối hợp sửa chữa tuyến cáp quang giữa Tonga với Fiji.
Vì sao núi lửa hoạt động mạnh ?
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai hiện đã biến mất dưới mặt nước sau vụ phun trào nên khó theo dõi tiếp hoạt động, trong khi giới chuyên môn không loại trừ khả năng xảy ra phun trào tiếp. Theo tờ The Conversation, phần nổi của núi lửa này từng cao khoảng 100 m, trong khi cả ngọn núi cao đến 1.800 m và rộng 20 km. Dù thường phun trào trong vài thập niên qua, vụ phun trào mức độ lớn như vừa qua chỉ xảy ra vài ngàn năm một lần.
Các nhà khoa học cho biết nếu dâng lên chậm thì dù ở nhiệt độ khoảng 1.2000C, mắc ma cũng sẽ có một lớp hơi nước cách ly với nước biển nên có thời gian nguội bớt. Nhưng nếu mắc ma bùng nổ đầy khí núi lửa thì lớp cách ly bị phá hủy khiến nó tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh, gây phản ứng làm mát nhiên liệu, tương đương vụ nổ hóa chất cấp độ vũ khí. Các khối mắc ma vỡ ra sẽ kích hoạt chuỗi phản ứng dây chuyền và gây ra vụ nổ với tốc độ siêu thanh. Theo GS Shane Cronin tại Đại học Auckland (New Zealand), núi lửa này có thể đang ở trong giai đoạn vài tuần hoặc thậm chí vài năm hoạt động mạnh.
Bình luận (0)