- Tales from the Borderlands tung trailer mới
- Dead synchronicity: Tomorrow - Game phiêu lưu hoài cổ
- Ghost of a tale - Câu chuyện chú chuột nhắt
Thể loại game phiêu lưu "trỏ và nhấn" (point and click) luôn đặt yếu tố hình ảnh lên hàng đầu với những thế giới kì bí, huyền ảo. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng quang cảnh đẹp mắt trên nền những cốt truyện có một không hai.
Hãy cùng Thanh Niên Game khám phá thể loại này qua 10 trò chơi được yêu thích nhất xuyên suốt lịch sử game point and click.
1. The Secret of Monkey Island
(Click vào ảnh để phóng to)
(Ảnh: Bit-Tech)
The Secret of Monkey Island là game point and click được yêu thích nhất mọi thời đại. Có nhiều lý do để cấu thành nên sự vĩ đại này, ví dụ như sự hài hước của nó. Lối chơi đặc sắc cho cho phép người chơi được khám phá toàn bộ game, bạn có thể click chuột vào bất kì đâu và các nhân vật phụ (NPC) sẽ không cho bạn bất kì gợi ý về địa điểm tiếp theo hay cách giải câu đố.
Người chơi hoàn toàn phải tự vận dụng trí óc để giải các câu đố một cách logic nhất. Nếu bạn định thử sức với The Secret of Monkey Island, hãy chọn phiên bản gốc trên hệ máy PC. Mặc dù không có được hình ảnh HD (độ nét cao) và các nhân vật không hề được lồng tiếng, thế nhưng, chính phiên bản này mới đưa tên tuổi của dòng game lên đỉnh cao, chứ không phải các phiên bản làm lại (remake) gần đây.
2. Myst
(Ảnh: Weekendgamr)
Từng là trò chơi bán chạy nhất trên PC, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngàn game bị ảnh hưởng bởi Myst từ cách chơi cho đến cốt truyện. Tưởng như đây là một game đã "có tuổi", tuy nhiên, nó vẫn được nhiều người mến mộ bởi cách chơi đột phá và các câu đố khó "nhăn răng".
Nhiều người đã thú nhận đã phải bỏ cuộc trong tức tối, số khác lại bị thất vọng mới cái kết không như mong đợi của Myst. Công bằng mà nói, Myst đã mang lại cái một cái nhìn mới mẻ, mang tính chất đột phá của dòng game point and click vào năm 1993, nên nó vẫn xứng đáng được nằm trong danh sách này.
3. Syberia
(Ảnh: Anuman-Interactive)
Quay trở lại năm 2002, khi thể loại game phiêu lưu vẫn còn đang phát triển cực mạnh mẽ. Syberia đã cho thấy sự tiến bộ của thể loại này kể từ game Maniac Mansion. Microïds đã sử dụng các kỹ thuật đặc biệt để tạo hiệu ứng 3D khá đẹp mắt cho Syberia. Ngoài ra, cốt truyện thu hút lẫn các thiết kế độc đáo đã góp phần giúp Syberia trở thành một game không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, nhắc đến Syberia thì không thể thiếu đi các câu đố đứng hàng đầu về độ hóc búa. Cái khôn khéo của Microïds là đã lồng các câu đố vào cốt truyện một cách chặt chẽ, khiến cho việc giải câu đố trở nên có mục đích, không hề gây nhàm chán và giúp người chơi có động lực để đi đến cuối game.
4. Broken Sword
(Ảnh: Revolution Sofware)
Đây là niềm tự hào của Revolution Sofware nói riêng lẫn game point and click nói chung. Broken Sword hoàn hảo từ cách xây dựng đoạn đối thoại, các câu đố, hình ảnh sặc sỡ cũng phần nhạc nền nổi bật đã đưa nó đến đỉnh cao của dòng game này. Trò chơi không những thừa kế toàn bộ những nét đặc sắc nhất của Monkey Island mà nó còn được mở rộng ra ở quy mô lớn hơn.
Broken Sword không hề khó như Monkey Island nhưng cũng không quá dễ, nhìn chung, đây là một game dễ chơi với cốt truyện được đánh giá là "thừa khả năng lên màn ảnh rộng". Không những vậy, các phiên bản đặc biệt cho hệ máy console và mobile đã nâng tầm cốt truyện của game lẫn các thử thách giải đố hơn so với phiên bản gốc.
5. Grim Fandango
(Ảnh: Pressfire)
Lucas Arts game là nhà sản xuất không hề xa lạ đối với các tín đồ game point and click. Hãng Lucas Arts đã thực sự thử thách bản thân bằng lần đầu tiên cho ra đời một sản phẩm đồ hoạ 3D trên phông nền (background) cố định.
Grim Fandago được tích hợp các kiểu chơi cơ bản của game point and click với phần cốt truyện thông minh, hài hước cùng phần thiết kế đồ họa sáng tạo, lạ mắt. Nói chung, trò chơi đã được thừa kế những gì tốt nhất ở các tựa game trươc của hãng Lucas, nên việc nó trở thành một game phiêu lưu hết sức tuyệt vời không có gì quá ngạc nhiên.
6. The Longest Journey
(Ảnh: Funcom)
Một game hoàn toàn khác biệt và nổi bật giữa các game cùng thể loại vào năm 1999. Funcom đã làm quá tốt vai trò của mình khi xây dựng nên một game đặc sắc như The Longest Journey. Các nhà sản xuất đã tạo nên các hiệu ứng đặc biệt trong game với các nhân vật được dựng 3D trên hình nền 2D.
Ngoài ra, Funcom còn khôn khéo khi đã xây dựng tuyến nhân vật "thực tế" - hoàn toàn khác biệt với các game khác. Nhân vật chính April là hoạ sĩ và hoàn toàn không có khả năng chiến đấu lẫn các kỹ năng đặc biệt, tuy nhiên tính cách của cô thực sự nổi bật, khiến cho April đặc biệt khó quên đối với người chơi. Đi kèm là cốt truyện sâu sắc và phần nhạc nền được thu âm kĩ lưỡng sẽ cho phép người chơi trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, phần giải đố khá đơn giản, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng vượt qua các câu đố trong game.
7. Maniac Mansion: Day of the Tentacle
(Ảnh: Maniac Mansion)
Đây là một trong những game quan trọng trong lịch sử thể loại point and click vì nó đã đặt nền móng phát triển cho các game sau này. Các nhân vật đều được lồng tiếng cầu kì, cẩn thận với phần âm thanh được lấy cảm hứng từ các phim hoạt hình của Looney Tunes đã mang lại nét hài hước khó quên cho Day of the Tentacle.
Ngoài ra, trò chơi có 3 nhân vật cho bạn có thể đổi lượt, và các nhân vật này đều phải được bạn mở khoá qua các câu đố được cài đặt trong game. Thêm một điều thú vị nữa, các câu đố trong Day of the Tentacle khá dễ với các gợi ý được "giấu" lộ liễu trong phần đối thoại giữa các nhân vật, nên bạn có thể thoải mái khám phá thế giới game trong Day of the Tentacle mà không lo sợ bị "tắc" ở đâu đó.
8. Full Throttle
(Ảnh: Computer and Video Games)
Cái tên Tim Schafer sẽ luôn luôn gắn liền với những tựu game nổi tiếng của LucasArts như Day of Tentacle, Grim Fandago và Full Throttle. Full Throttle cho đến nay vẫn là tựa game ngắn nhất trong cả ba nhưng lại có phong cách đặc biệt nhất. Tất cả những yếu tố cấu thành nên một cốt truyện hay đều được gói gọn trong Full Throttle: giết người, lòng tham, dục vọng, danh dự và sự giả dối.
Ngạc nhiên là với nhiều yếu tố như vậy, mạch truyện của Full Throttle vẫn hoàn toàn tự nhiên và không hề bị gượng ép. Ngoài ra, Full Throttle còn là một minh chứng hoàn hảo cho việc nếu nhạc nền hay thì trải nghiệm của người chơi đã trọn vẹn được phân nửa. Tuy nhiên, các câu đố hoàn toàn không thoả mãn người chơi cùng thời lượng game khá ngắn. Một điều khiến người hâm mộ băn khoăn đó là về cái kết hoàn toàn mở cho nhiều phần game tiếp theo, nhưng cuối cùng, câu trả lời vẫn sẽ chỉ có một bản Full Throttle duy nhất.
9. The Walking Dead
(Ảnh: Video Games Blogger)
The Walking Dead có "tuổi đời" trẻ nhất trong danh sách này, nhưng không hề kém cạnh các "lão làng" về độ "hot". The Walking Dead đem lại cho người chơi rất nhiều trải nghiệm mới. Thật vậy chúng hoàn toàn khác xa với các "bậc tiền bối" khi các sự kiện được sắp đặt khéo léo buộc game thủ phải động não rất nhanh trước khi bị lũ zombie tóm gọn. Ngoài ra, phần đối thoại với nhiều lựa chọn cũng giúp người chơi tương tác với các NPC tốt hơn vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ giữa các nhân vật trong câu chuyện.
Đừng lo lắng quá nhiều về khía cạnh cảm xúc vì bạn còn phải đối đầu với các NPC khi chúng... cố gắng giết bạn. Hãy nhớ The Walking Dead đặt bối cảnh là một trận chiến sinh tồn với lũ zombie, thuốc men lương thực và vũ khí đều quyết định trực tiếp đến tính mạng của nhân vật. Vào cuối mỗi chương, Telltate sẽ cho bạn xem bảng đánh giá các người chơi có cùng sự chọn lựa với bạn, điều đó làm nên điều thú vị khi bạn phát hiện bạn không phải là... "thằng đểu" duy nhất.
10. Machinarium
(Ảnh: Amanita)
Không hẳn hoành tráng như những cái tên phía trên, Machinarium là một game đẹp mắt với bối cảnh là thành phố người máy. Khung cảnh trong game còn được tạo hiệu ứng màu sắc từ bút chì, âm thanh nhẹ nhàng cùng phông chữ thô - mộc mạc và giản dị như chính cốt truyện của nó. Câu chuyện của trò chơi xoay quanh hành trình của một chú robot biết yêu đi giải cứu bạn gái mình, đồng thời ngăn chặn hiểm hoạ sắp xảy đến cho toàn bộ thành phố.
Xuyên suốt game là những câu đố sẽ hé mở cốt truyện, còn tính cách nhân vật sẽ được hé lộ dần qua các quyết định và sự lựa chọn của bạn. Machinarium hoàn toàn không có phần đối thoại giữa các nhân vật, do đó tính cách của nhân vật cũng hoàn toàn khác tuỳ theo từng người chơi. Tuy có một vài lỗi nhỏ nhưng Machinarium cũng là game point and click rất đáng thử qua.
Bình luận (0)