Tốt nghiệp ĐH ngành sức khỏe, có thể học các chuyên khoa nào, theo quy định mới?

06/04/2024 15:27 GMT+7

Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...

Theo dự thảo Nghị định, đào tạo chuyên khoa để cấp văn bằng trong lĩnh vực sức khỏe là loại hình đào tạo cho người đã được cấp văn bằng bác sĩ, dược sĩ, cử nhân trong lĩnh vực sức khỏe để đạt được kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm. Đồng thời có các phẩm chất, năng lực hoạt động nghề nghiệp.

8 chuyên khoa, thời gian đào tạo từ 2-3 năm

Có 8 chuyên khoa bao gồm bác sĩ chuyên khoa (thuộc các ngành y khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng); dược sĩ chuyên khoa; điều dưỡng chuyên khoa; hộ sinh chuyên khoa; kỹ thuật y chuyên khoa; dinh dưỡng lâm sàng chuyên khoa; tâm lý lâm sàng chuyên khoa và cấp cứu ngoại viện chuyên khoa.

Tốt nghiệp ĐH ngành sức khỏe, có thể học các chuyên khoa nào, theo quy định mới?- Ảnh 1.

Văn bằng bác sĩ chuyên khoa được công nhận tương đương bậc 8 - bậc cao nhất trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam

Đ.N.T

Đào tạo chuyên khoa được thực hiện bằng hình thức chính quy hoặc vừa học vừa làm. Đối với bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa phải học tối thiểu 90 tín chỉ tương đương ít nhất 3 năm học. Các chuyên khoa còn lại học 60 tín chỉ, tương đương ít nhất 2 năm học.

Chương trình đào tạo có thể do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành hoặc sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo khác đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo hoặc đã được kiểm định còn hiệu lực, với điều kiện cơ sở đó đồng ý bằng văn bản và phải đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo chuyên khoa theo quy định.

Quy định về mức học phí

Về học phí, mức trần của khóa đào tạo chuyên khoa được xác định bằng mức trần học phí đào tạo ĐH chính quy quy định tại Nghị định 81 nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo chuyên khoa điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, cấp cứu ngoại viện; nhân hệ số 2,5 đối với bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Mức học phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.

Cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm giải trình, công khai với người học và tỷ lệ tăng học phí của năm sau không vượt quá 15% so với năm liền trước.

Cũng theo dự thảo Nghị định, người có bằng bác sĩ, dược sĩ, bằng chuyên khoa điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, cấp cứu ngoại viện sẽ được công nhận trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Trong khi đó, người có văn bằng bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa được công nhận trình độ tương đương bậc 8 - bậc cao nhất trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Toàn bộ dự thảo Nghị định, đào tạo chuyên khoa để cấp văn bằng trong lĩnh vực sức khỏe, bạn đọc có thể xem tại đây

Dự thảo nghị định mới khác gì với nghị định cũ?

Trước đó, Nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe năm 2019 quy định đào tạo chuyên khoa đối với các ngành tuyển sinh đầu vào là ngành y khoa, răng hàm mặt có 2 hệ là nội trú và tập trung.

Tốt nghiệp ĐH ngành sức khỏe, có thể học các chuyên khoa nào, theo quy định mới?- Ảnh 2.

Sinh viên ngành y trong giờ thực hành

NGỌC ANH

Hệ nội trú có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương ứng với 4 năm học tập trung, bao gồm cả quá trình thực hành để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề và luận văn tốt nghiệp.

Đối với hệ tập trung, khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ tương ứng với 3 năm học tập trung đối với người đã có chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả luận văn tốt nghiệp; khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương ứng với 4 năm học tập trung đối với người chưa có chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả luận văn tốt nghiệp.

Đào tạo chuyên khoa đối với các ngành còn lại có khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ tương ứng với 6 tháng học tập trung.

Về khung trình độ quốc gia, Nghị định năm 2019 quy định người học lĩnh vực sức khỏe hoàn thành tối thiểu 120 tín chỉ tương đương 4 năm học đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 sẽ tương đương bậc 6 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Người đã hoàn thành chương trình bậc 6 chương trình đào tạo y khoa, răng hàm mặt và dược đã được cấp bằng cử nhân, học thêm khối lượng tối thiểu 60 tín chỉ và đáp ứng chuẩn đầu ra bậc 7 được công nhận tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia, được cấp bằng bác sĩ (ngành y khoa, răng hàm mặt) và dược sĩ (ngành dược).

Người hoàn thành chương trình đào tạo bậc 6 ngành điều dưỡng, hộ sinh, y tế công cộng, dinh dưỡng, nhóm ngành kỹ thuật y học và các ngành khác trong lĩnh vực sức khỏe, học thêm khối lượng tối thiểu 60 tín chỉ và đáp ứng chuẩn đầu ra bậc 7, cũng được công nhận tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia, được cấp bằng chuyên khoa, chuyên khoa sâu.

Người đã hoàn thành chương trình bậc 7 (có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ và đã được cấp bằng bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên khoa, chuyên khoa sâu ở ngành tương ứng), học chương trình đào tạo tương đương bậc 8 (chuyên khoa, chuyên khoa sâu) với khối lượng kiến thức tối thiểu 60 tín chỉ sẽ được cấp bằng chuyên khoa, chuyên khoa sâu.

Như vậy các bậc trình độ giáo dục ĐH trong đào tạo lĩnh vực sức khỏe ở nghị định cũ có quy định khác so với nghị định mới, khi bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa mới được công nhận tương đương bậc 8; các chuyên khoa còn lại như điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y… chỉ tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.