Tốt nghiệp không tìm được việc, sinh viên Anh ra nước ngoài dạy tiếng Anh

02/09/2023 17:26 GMT+7

Theo khảo sát, sau khi tốt nghiệp tại Anh, nhiều sinh viên không kiếm được việc làm đã chuyển sang tìm cơ hội dạy tiếng Anh ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Tốt nghiệp không tìm được việc, sinh viên Anh ra nước ngoài dạy tiếng Anh - Ảnh 1.

Tiết học của giáo viên bản xứ tại một trường tiểu học ở TP.HCM

ẢNH MINH HỌA ĐÀO NGỌC THẠCH

 Lương hậu hĩnh, làm việc ít căng thẳng

Cuộc khảo sát của Học viện TEFL (Anh) trên 1.292 giáo viên từng tốt nghiệp tại Anh đang dạy tiếng Anh ở nước ngoài cho hay, hơn 30% người chọn dạy tiếng Anh ở nước ngoài vì phải đối mặt với những thách thức trực tiếp khi tìm việc liên quan đến ngành học. Ngoài ra, 70% giáo viên khẳng định họ hài lòng với quyết định này.

"Sinh viên tốt nghiệp ở Anh đang nhận thấy thị trường việc làm đã bão hòa với những người có bằng cấp trái ngành và con đường sự nghiệp không rõ ràng. Cùng với đó, sự đầu tư lớn về thời gian, tiền bạc nhưng không thể tìm được việc làm liên quan đến ngành học buộc họ phải kiếm cơ hội ở những quốc gia khác", ông Rhyan O'Sullivan, Giám đốc điều hành Học viện TEFL, lý giải kết quả khảo sát với trang The PIE News.

Theo ông Rhyan O'Sullivan, việc dạy tiếng Anh ở nước ngoài mang lại mức lương hậu hĩnh, lịch làm việc ít căng thẳng, "và hiển nhiên khi có người mãi theo đuổi công việc này". Đồng tình, nhiều người tham gia khảo sát cũng nhìn nhận giờ làm việc linh hoạt, ít căng thẳng, đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những lợi ích của việc dạy tiếng Anh ở nước ngoài.

Dễ hiểu khi thị trường việc làm ở nước ngoài đang rộng mở với những ai có chứng chỉ dạy tiếng Anh, theo ông Rhyan O'Sullivan. Các quốc gia phổ biến với giáo viên người Anh là Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. "Chỉ riêng Trung Quốc đã có hơn 400 triệu người học tiếng Anh. Và ở các nước Trung Đông, nhiều hợp đồng giảng dạy còn bao gồm vé máy bay và chỗ ở", vị giám đốc nói thêm.

Tốt nghiệp không tìm được việc, sinh viên Anh ra nước ngoài dạy tiếng Anh - Ảnh 2.

Việt Nam được đánh giá là thị trường dạy tiếng Anh phổ biến với giáo viên quốc tế

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng theo ông Rhyan O'Sullivan, không chỉ sinh viên mới tốt nghiệp mới theo đuổi sự nghiệp dạy tiếng Anh ở nước ngoài, mà các giáo viên giàu kinh nghiệm của Anh cũng đang ưa chuộng lựa chọn này. Cụ thể, khoảng 40% học viên đã tốt nghiệp Học viện TEFL từng đứng lớp tại các trường học tại Anh, báo cáo công bố.

Hiện giáo viên dạy tiếng Anh đã được chứng nhận đạt chuẩn trình độ giáo viên (Qualified Teacher Status-QTS) tại Anh có thể yêu cầu mức lương cao hơn so với các giáo viên dạy tiếng Anh thông thường, lên đến 40.000 bảng Anh/năm (1,2 tỉ đồng).

Thị trường Việt Nam được đánh giá ra sao?

Theo ấn phẩm trực tuyến TEFL World Factbook 2023 (tạm dịch: Sách giới thiệu các thị trường giảng dạy tiếng Anh năm 2023) của Học viện TEFL, trong những năm qua, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nổi bật ở những lĩnh vực du lịch, sản xuất và công nghệ thông tin. Điều này mở rộng cơ hội dạy tiếng Anh tại Việt Nam, và người Việt Nam được cho là ham học hỏi để phát triển năng lực tiếng Anh, cũng như chịu khó tiếp thu.

Ba địa phương chính có nhu cầu về giáo viên ngoại quốc dạy tiếng Anh là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Trong đó, cơ hội việc làm trải rộng từ khu vực tư thục đến công lập, với các vị trí từ trường phổ thông, ĐH, trung tâm tiếng Anh đến dạy trực tuyến. Nhu cầu về tiếng Anh thương mại cũng ngày càng tăng. Mức lương trung bình dao động từ 1.000-2.000 USD/tháng (23-45 triệu đồng), Học viện TEFL nhận xét.

Tốt nghiệp không tìm được việc, sinh viên Anh ra nước ngoài dạy tiếng Anh - Ảnh 3.

Một lớp ôn thi tiếng Anh tại TP.HCM

NGỌC LONG

Thông tin từ ấn phẩm cũng cho hay, giáo viên muốn làm việc tại các trường công lập phải nộp hồ sơ 2-3 tháng trước khi năm học thường bắt đầu vào tháng 8. Hầu hết hợp đồng quy định thời lượng giảng dạy là 20-30 giờ/tuần. Bên cạnh đó, một số vị trí được trả lương cao hơn có thể cung cấp các phúc lợi khác, nhưng nhìn chung hiếm khi giáo viên có thêm quyền lợi bổ sung trong hợp đồng giảng dạy.

Học viện TEFL cũng khuyên giáo viên ngoại quốc khi đến Việt Nam cần chuẩn bị số tiền đủ trang trải cuộc sống trong 2 tháng vì thực tế, họ phải tự chịu các chi phí về chuyến bay, chỗ ở, phí thị thực và bảo hiểm y tế. Song song đó, nhiều nơi cũng yêu cầu giáo viên trả trước phí thị thực để đảm bảo hoàn thành hợp đồng, và khoản tiền này sẽ được hoàn trả sau khi hợp đồng kết thúc.

Chia sẻ trên trang web của Học viện TEFL, chị Alana Redick, giáo viên tiểu học tại một trường công lập tại TP.HCM, cho rằng Việt Nam có nhu cầu rất lớn về giáo viên tiếng Anh khi nền kinh tế bùng nổ. "Tôi có mức lương tương đối cao, phúc lợi khá tốt do các trường cũng đang cạnh tranh để có được những giáo viên giỏi nhất", nữ giáo viên nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.