Tốt nghiệp sư phạm có cần thêm chứng chỉ hành nghề?

15/01/2019 08:05 GMT+7

Trước đề xuất quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, nhiều người đặt ra vấn đề cần xem lại các trường sư phạm đào tạo nghề nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không?

Bằng tốt nghiệp sư phạm là giấy chứng nhận cao nhất?

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là cần thiết thay vì cứ học sư phạm rồi trở thành giáo viên (GV) như hiện nay, đại diện các trường đào tạo sư phạm có ý kiến khác.

Theo trưởng phòng đào tạo một trường có đào tạo ngành sư phạm tại TP.HCM, năng lực sư phạm gồm kiến thức và kỹ năng, trình độ và thái độ. Với chuẩn này, chương trình đào tạo kéo dài suốt 4 năm ở các trường ĐH đã trang bị lồng ghép cho sinh viên những chuẩn cần thiết của một nhà giáo.
“Có thể nói, bằng tốt nghiệp ĐH hệ đào tạo sư phạm chính là giấy tờ cao nhất công nhận năng lực của một GV. Nếu có thay điều chỉnh nâng chuẩn này thì cần thiết thực hiện ngay trong quá trình đào tạo ĐH. Trong đó, đầu vào sư phạm là việc cần làm trước hết để có chuẩn đầu ra chất lượng”, người này nói.
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng việc đào tạo sư phạm của các trường hiện nay là chuyên biệt trong đào tạo GV. Ông Hạp không nói chính xác bao nhiêu thời lượng chương trình đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp nhưng cho rằng các nội dung được lồng ghép, dàn trải khắp chương trình. Ngoài ra, phần này còn tập trung ở một số môn như: tâm lý học giáo dục, phương pháp giảng dạy… “Sẽ có sự trùng lặp và không cần thiết nếu có thêm một kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề nhà giáo với người tốt nghiệp ĐH các ngành sư phạm”, thạc sĩ Hạp nhấn mạnh.
Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH sư phạm phân tích: “Bộ GD-ĐT đã ban hành các chuẩn nghề nghiệp GV từng bậc học, trên cơ sở đó các trường đào tạo sư phạm xây dựng chương trình để đáp ứng chuẩn này. Vì vậy, không nhất thiết phải có thêm việc thi và cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo”.
“Đừng thấy nước ngoài người ta có thì mình cũng phải có mà cần căn cứ vào điều kiện cụ thể. Như ở Mỹ, việc cấp giấy phép hành nghề GV được giao cho hiệp hội nghề nghiệp thực hiện, thay mặt xã hội giám sát và được xã hội thừa nhận. Nội dung trong kỳ thi này chủ yếu xoay quanh các quy định pháp luật trong thực hiện nghề giáo chứ không phải nghiệp vụ đơn thuần”, nguyên hiệu trưởng này nói.

Có sự chênh nhau về chuẩn đầu ra sư phạm

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, có quan điểm khác. Theo ông Khang, trước đây khi Bộ GD-ĐT có quy định về chương trình khung thì chương trình đào tạo các trường sư phạm cơ bản giống nhau và rất ổn. Nhưng sau này, các trường được phép xây dựng chương trình riêng thì bắt đầu có sự chênh nhau về chuẩn đầu ra sư phạm.
Chương trình đào tạo có khoảng 60% giống nhau và phần còn lại phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của từng trường. Phần khác nhau chủ yếu gồm những môn học về kỹ năng, nghiệp vụ và thậm chí chuyên môn. Chẳng hạn, một trường có thế mạnh về đội ngũ giảng viên môn toán, có thể sẽ được chú trọng phần kiến thức này trong chương trình hơn trường khác ngay cả khi cùng đào tạo sư phạm toán. “Từ văn bản quy định cho phép các trường khác nhau tới 40% chương trình thì đầu ra cũng có thể khác nhau, kể cả phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp GV”, ông Khang nhấn mạnh.
Theo thạc sĩ Khang, có lẽ để đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu chung trong đào tạo GV nên mới có đề xuất về việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo nhưng đề xuất này chưa giải quyết tận gốc vấn đề.
Ông Khang đề xuất: “Bất cứ kỳ thi nào cũng có thể vượt qua nếu dành thời gian ôn tập tập trung. Cần có một chuẩn chung về sư phạm, từ tuyển sinh đầu vào và suốt quá trình đào tạo chứ một kỳ thi là chưa đủ để đánh giá. Vì vậy, chỉ nên cho phép các trường đào tạo sư phạm linh hoạt trong khoảng 20% chương trình đào tạo thôi”.
Tốt nghiệp trường ngoài sư phạm không thể đi dạy bậc phổ thông
Ngày 14.1, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay việc tuyển dụng GV hiện nay thực hiện theo Thông tư 20 - thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV mầm non đến THPT.
Theo đó, GV mầm non ứng viên phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên. GV tiểu học yêu cầu ứng viên bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên. GV THCS phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên hoặc CĐ các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Còn GV THPT phải có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, đối với yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của GV THCS, THPT, ông Long cũng cho hay các đơn vị tuyển dụng chỉ chấp nhận những chứng chỉ do các trường ĐH, tổ chức giáo dục mà Bộ GD-ĐT cho phép từ năm 2014 trở về trước. Còn từ năm 2014 đến nay, Bộ đã ngừng cấp phép cho các đơn vị đào tạo và cấp loại chứng chỉ này. Như vậy, theo vị lãnh đạo này, những sinh viên tốt nghiệp các trường khác ngoài sư phạm bắt đầu từ năm 2018 không thể đăng ký tuyển dụng vào giảng dạy trong các trường học vì không có chứng chỉ nói trên. Đây là việc làm nhằm chuẩn hóa nghề nghiệp đối với GV cơ sở giáo dục phổ thông đã có hiệu lực từ tháng 10.2018.
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.