Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 kết thúc cũng chính thức khép lại hành trình 12 năm phổ thông của lứa học trò sinh năm 2006, một thế hệ học sinh đặc biệt khi phải làm lễ khai giảng trực tuyến và có gần một học kỳ đầu cấp THPT không thể gặp thầy cô, bạn bè trực tiếp.
Năm nay kỳ thi diễn ra suôn sẻ sau nhiều năm liên tục có những vụ lọt đề ra ngoài ở các địa phương, dù trước đó mạng xã hội đồn đoán vô căn cứ "lộ đề" thi tốt nghiệp THPT 2024, bị Bộ GD-ĐT nhanh chóng bác bỏ vào sáng hôm làm thủ tục dự thi, 26.6.
"Thi lớp 10 áp lực hơn nhiều!" là nhận định của một phụ huynh sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi, từ trước đó, nhiều thí sinh đã nhận tin trúng tuyển sớm vào nhiều trường ĐH qua các phương thức khác nhau như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. Điều này cũng khiến các em "mừng hét lớn" ngay trước những ngày thi trọng đại. Song, vẫn còn đó một số thí sinh tự do quyết thi lại để vào ngành mơ ước dù từng đạt 10 điểm.
Nhiều thí sinh nhìn nhận đề các môn thi đều vừa sức, phù hợp với mục đích phân hóa. Bên ngoài trường thi, chúng tôi cũng ghi nhận được nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động, từ người bà 73 tuổi 15 năm liền đưa đón cháu đi học, đi thi mặc mưa nắng, đến những giáo viên đến sớm, ở lại trễ hơn thí sinh để động viên các em và hỗ trợ phụ huynh kịp thời.
Những khoảnh khắc ấn tượng nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Trước khi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 dự kiến công bố vào ngày 17.7, ngay bây giờ, bạn đọc hãy cùng Thanh Niên xem lại những khoảnh khắc đã diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, kỳ thi cuối cùng của chương trình cũ nhưng lại là cánh cổng đầu tiên dẫn lối một thế hệ thí sinh đặc biệt "vào đời".
Chiều 26.6, hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước bắt đầu làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều học trò khẳng định không hề lo lắng, áp lực mà hoàn toàn "nhẹ gánh" vì đã trúng tuyển sớm vào các trường ĐH. Tại đây, chúng tôi gặp bà Vũ Thị Bích Loan, người phụ nữ tuy ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng vẫn hằng ngày cần mẫn đưa đón cháu gái đi học, đi thi dẫu trời nắng gắt hay mưa nặng hạt.
Đến sáng 27.6, thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với môn thi đầu tiên là ngữ văn. Tuy nhiên, vào đêm trước đó, nhiều em cho biết đã chọn thao thức đến nửa đêm để giải mã hình ảnh "đoán đề" của tài khoản Kaito Kid trên Facebook. Ở điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (Q.3), nhiều sĩ tử cũng bày tỏ tiếc nuối khi năm sau các thế hệ hậu bối sẽ mất niềm vui đoán đề, đồng thời hy vọng được bàn luận về vấn đề của giới trẻ trong câu hỏi nghị luận xã hội.
Phụ huynh ôm động viên con trước khi bước vào môn thi đầu tiên
Những cái hôn "tiếp lửa" thí sinh trước cổng trường thi
Kết thúc giờ làm bài môn ngữ văn, tại điểm thi này, nhiều thí sinh hào hứng và thậm chí nhảy cẫng vui sướng vì "trúng tủ", khi bài thơ Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) vào đề nghị luận văn học. Trong khi đó, câu hỏi nghị luận xã hội về "tôn trọng cá tính" thành công khơi gợi nhiều cảm xúc cho thí sinh, được các em đánh giá là "mở hết cỡ". Nhờ đó, các em có thể tự do dùng dẫn chứng là những câu chuyện, hiện tượng mạng xã hội gắn liền với đời sống giới trẻ như Tháng tự hào, rapper tlinh.
Chiều cùng ngày, hơn 1 triệu sĩ tử tiếp tục dự thi môn toán. Tại TP.HCM, nhiều quận mưa đổ trắng xóa, song không vì thế mà dập tắt được tinh thần của phụ huynh, học sinh. Các em không chỉ được phụ huynh "che chở" hết mình mà còn được đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi "đội mưa" đưa vào tận phòng thi.
Một thí sinh bị bó bột ở chân được mọi người hỗ trợ vào tận phòng thi
Tại Trường THCS Colette (Q.3), Nguyễn Minh Long, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết em trúng tuyển sớm vào Trường ĐH RMIT nên chỉ thi với tâm thế "chống liệt". Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, Long vẫn toàn tâm toàn ý cho việc ôn luyện, mỗi ngày 3 đề, vì nuôi hy vọng vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hay Khoa học tự nhiên TP.HCM. "Đến nay, em đã luyện được tầm 180 đề. Bài nào chưa hiểu sâu thì em tra cứu trên mạng hoặc hỏi lại thầy cô. Liên tục mài giũa như thế tới khi không cần trợ giúp nữa thì em thấy an tâm hơn rất nhiều", Long kể.
Đề thi tốt nghiệp THPT môn toán cuối cùng của chương trình cũ được thí sinh đánh giá có độ khó như mọi năm, tức chỉ bắt đầu phân hóa từ câu 39 trở đi, còn những câu trước đó "các bạn học không giỏi vẫn làm được". Đáng chú ý, 4 câu cuối ở đề toán được một số thí sinh đánh giá có dạng "chưa từng thấy bao giờ". "Năm nay đề toán khó hơn năm 2023. Hầu hết câu khó tập trung vào các bài về hàm số, đồ thị và đạo hàm", Bùi Long Đức, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, chia sẻ.
Sáng 28.6, hơn 1 triệu sĩ tử bước vào ngày thi cuối, với buổi đầu tiên là bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên: lý, hóa, sinh hoặc khoa học xã hội: sử, địa, giáo dục công dân). Tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), nổi bật là hình ảnh các cô giáo đến từ Trường Quốc tế Á Châu có mặt từ sớm để để điểm danh học trò, kiểm tra vật dụng sau đó dặn dò điều cần lưu ý, một truyền thống được duy trì kể từ khi thành lập trường. Nhiều giáo viên cũng "thủ sẵn" atlat địa lý Việt Nam và gửi tặng cho thí sinh ở các trường khác khi các bạn để quên vật dụng ở nhà.
Một điểm nhấn khác ngoài cổng trường là luôn có các nhóm sinh viên, học sinh tình nguyện tiếp sức mùa thi túc trực, không chỉ cổ vũ mà còn liên tục tặng thí sinh kẹo, bánh, nước và nhiều món quà may mắn khác. Tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn, nhóm sinh viên tình nguyện tự thiết kế và in ấn những biển hiệu cổ vũ thí sinh với những dòng chúc "Ngủ kỹ ăn no, chẳng lo đề gì", "12 năm học, nhọc tí mà 10", "Chúc em thi tốt, các ụppa luôn bên cạnh em"... liên tục trong những ngày thi.
Bên cạnh sĩ tử, các bậc phụ huynh đứng ngoài đợi con cũng được "tiếp sức" bởi những thông tin thời sự, tin cậy, cập nhật mới nhất về diễn tiến kỳ thi trên Báo Thanh Niên , đi cùng đó là phụ trương gợi ý giải đề thi tặng miễn phí cho bạn đọc.
Kết thúc bài thi tổ hợp, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) đánh giá đề ra vừa sức. Với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, thí sinh nhận định 5 câu cuối nêu dữ kiện khá dài "như bài đọc hiểu trong đề ngữ văn". Còn ở bài thi khoa học xã hội, các bạn bày tỏ thích thú khi đề giáo dục công dân có nội dung như "kịch bản phim truyền hình", với các chi tiết gắn liền với đời sống thực như buôn người qua biên giới, phòng cháy chữa cháy khi kinh doanh xe máy điện ở chung cư.
Điểm thi này cũng có sự xuất hiện của nhiều thí sinh tự do trẻ tuổi mong muốn chuyển vào ngành mình yêu thích thay vì "chôn chân" 4 năm trên trường ĐH hiện tại, trong đó có Tô Nguyễn Hoàn Vũ, 19 tuổi, từng đạt điểm 10 sử vào kỳ thi năm trước. Vũ hiện là sinh viên Khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Song, vì cảm thấy không phù hợp với công việc đứng lớp nên anh mong muốn chuyển ngành và chọn quan hệ quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM làm điểm đến.
Đến chiều, hơn 1 triệu thí sinh chính thức hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sau khi chuông báo kết thúc giờ làm bài môn ngoại ngữ vang lên. Ở điểm thi Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3), nhiều thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.0-7.0 cho hay đã gặp khó ở một số câu hỏi, nhất là ở các thành ngữ như "shrinking violet" (rụt rè) hay "make no bones" (nói thẳng, không do dự). Đây cũng thường là phần mà sĩ tử gặp khó trong nhiều năm qua.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 kết thúc cũng chính thức khép lại hành trình 12 năm "dùi mài kinh sử" trên ghế phổ thông của lứa học trò sinh năm 2006, một thế hệ của sự biến động khi phải làm lễ khai giảng trực tuyến và có gần một học kỳ đầu cấp THPT không thể gặp thầy cô, bạn bè trực tiếp. Trưởng thành từ "giông bão" nên hy vọng các bạn sẽ luôn cứng cáp và kiên định, tự tin chinh phục hành trình nghề nghiệp phía trước.
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 khép lại, kết quả thi dự kiến công bố vào 17.7 và thí sinh có thể đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH không giới hạn số lần trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 18 - 30.7. Đến trước 17 giờ ngày 22.7, các trường ĐH sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống chung và website riêng của trường.
Bình luận (0)