Vừa trồng rau vừa làm hướng dẫn viên
Anna, du khách Anh, “mắt chữ O miệng chữ A” khi nghe bác nông dân tại làng rau Thanh Đông (Cẩm Thanh, TP.Hội An) kể về quy trình sản xuất rau hữu cơ. Cô càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, để chống sâu bệnh gây hại, người nông dân chỉ sử dụng loại “thuốc” bảo vệ thực vật là hợp chất gồm gừng, tỏi, ớt… phun lên rau. Khi không còn nghi ngờ gì về độ an toàn của rau quả trong vườn, kết thúc chuyến tham quan, Anna mua rất nhiều loại mang về nước sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Chức, tổ phó sản xuất của làng rau Thanh Đông, cho biết mỗi tháng có trên dưới 200 du khách trong nước và quốc tế (Úc, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…) đến tham quan vườn. Đa số khách đều thích thú và ấn tượng trước phương thức canh tác hữu cơ.
Vườn rau Thanh Đông là mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại TP.Hội An. Sau đó, mô hình được nhân rộng ra một số địa phương khác, như: cơ sở Hiền Đông (Cẩm Châu) diện tích 500 m2, nhóm Cánh Én (Cẩm Thanh, cùng TP.Hội An) trên 2.000 m2… Từ mục tiêu ban đầu là hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực sản xuất, sau vài năm hình thành, những vườn rau hữu cơ đã thu hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm. “Mức phí tham quan vườn là 30.000 đồng/người. Khi khách vào, chúng tôi giới thiệu cho họ nghe về quy trình sản xuất hữu cơ chặt chẽ như: không dùng phân hóa học, không thuốc tăng trưởng, không dùng nguồn nước ô nhiễm…”, ông Chức nói. Cũng theo ông Chức, vì không dùng thuốc trừ sâu nên nông dân trồng các loại rau gia vị có mùi thơm để xua đuổi côn trùng, nếu muốn dẫn dụ côn trùng thì trồng nhiều hoa...
|
Ban đầu, được ngành chức năng hỗ trợ giới thiệu sản phẩm rau qua mạng internet, nhiều du khách nước ngoài đã đặt mua. “Sau này, khi nhiều vị khách biết địa chỉ vườn thì chủ động đạp xe từ phố cổ về tận vườn để mua. Khách thích loại rau gì, chủ vườn bán ngay loại đó, giá cả đã quy định sẵn, thường 12 tháng mới điều chỉnh 1 lần”, ông Chức nói thêm.
Doanh nghiệp chung tay
|
Khi đứng ra tổ chức tour đến vườn rau, Etour Hội An đã mở các lớp tập huấn để giúp nông dân thuyết minh bài bản hơn. Công ty còn huấn luyện, giúp nông dân cách đảm bảo an toàn cho khách khi di chuyển bằng thuyền thúng. “Đây là khu vực thơ mộng, yên tĩnh nên du khách trung niên, cao cấp cực kỳ thích thú”, ông Hà nói thêm. Trong tour du lịch này, kết thúc chuyến đi, du khách sẽ được đưa về nhà hàng ngay tại sông Đò, cạnh một cánh đồng để giới thiệu cách làm lúa nước, học cách chế biến các món từ rau vườn Thanh Đông như gỏi chùm ngây, cà tím nhồi thịt…
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay địa phương chú trọng áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, phù hợp với định hướng phát triển thành phố du lịch sinh thái. Việc gắn kết nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với du lịch bước đầu đã đem lại hiệu quả. “Lâu nay đã có làng rau Trà Quế, gần đây có thêm làng rau Thanh Đông và một số làng rau khác. Nhiều doanh nghiệp đã đưa khách về tham quan, trải nghiệm đời sống của người nông dân và sử dụng sản phẩm rau hữu cơ tại chỗ”, ông Hùng nói và cho biết từ năm 2016 thành phố đã lập đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2016 - 2020. “Để thay đổi thói quen của nông dân không thể một sớm một chiều, nên cần phải vận động nhiều. Hội An không mong muốn triển khai lớn mà vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sản phẩm đạt chất lượng sẽ tự thành thương hiệu, từ đó thông qua doanh nghiệp lữ hành sẽ tạo thành sản phẩm du lịch từ nông nghiệp”, ông Hùng nói thêm.
Bình luận (0)