Hủy tour "săn mây, ngắm lúa"
Cuối tuần này Bảo Nhi, nhân viên văn phòng ở Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội), có kế hoạch cùng nhóm bạn đi Tà Xùa (Sơn La) "săn" mây. Tuy nhiên, gần đến ngày lên đường, thông tin một homestay bị vùi lấp do sạt lở núi khiến 3 người thương vong ở điểm du lịch này khiến Bảo Nhi và nhóm bạn chùn bước.
"Bọn mình học chung lớp đại học, nhân kỷ niệm 5 năm ra trường, cả nhóm hẹn nhau đi chơi chung một chuyến. Đều là dân văn phòng ai cũng bận rộn, để sắp xếp chuyến đi 3 ngày cũng phải hẹn lên hẹn xuống. Sau khi xảy ra sạt lở ở Tà Xùa, người vẫn muốn đi, người bàn lùi, cuối cùng vì an toàn cả nhóm quyết định hủy tour, dù tất cả phòng ốc, xe cộ đã đặt xong", Bảo Nhi kể.
Trên các hội nhóm du lịch Tà Xùa, Hà Giang, Sa Pa, Cao Bằng…, những ngày gần đây rất nhiều du khách lo ngại tình hình mưa lũ gây sạt lở đã hỏi thăm tình hình thời tiết, nhờ tư vấn đường sá, đi lại.
Phùng Anh Quân, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: "Mình cũng đã lên các hội nhóm tham khảo thông tin, thấy nhiều người chụp ảnh đường vẫn còn sạt lở, hư hại, đặc biệt là dự báo mưa còn tiếp diễn trong những ngày tới. Tà Xùa mùa nào cũng đẹp, không đi lần này thì đi lần khác, sau khi cân nhắc bọn mình cũng đã hủy tour. Rất may là homestay họ cũng tạo điều kiện trả lại tiền cho bọn mình".
Có nhiều năm kinh nghiệm dẫn khách trong và ngoài nước du lịch khám phá Hà Giang, anh Nguyễn Văn Hoan, hướng dẫn viên bản địa có nhiều năm kinh nghiệm ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), cho hay so với các năm trước, thời tiết mùa hè năm nay khá cực đoan. Từ đầu tháng 8 đến nay mưa nhiều. Những ngày gần đây, ngày nào cũng mưa, lượng mưa lớn và thường xảy ra bất ngờ.
"Cách đây mấy ngày, một đoàn khách đi du lịch xe 7 chỗ đã phải chuyển hướng sang xe máy vì đường sạt lở không đi được. Một số người dự định đi Hà Giang ngắm cao nguyên đá, ruộng bậc thang trong tháng 8 cũng đã gọi điện xin chuyển lịch sang tháng 9. An toàn cho du khách là cao nhất, chúng tôi luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho du khách", anh Hoan cho biết.
Khuyến cáo du khách hạn chế đến nơi nguy cơ sạt lở
Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, H.Bắc Yên, thông tin xã cũng vận động các hộ kinh doanh, cơ sở du lịch ký cam kết không đón, tiếp nhận khách. Nhiều homestay, chủ nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh ở Tà Xùa đã chấp hành, dừng nhận khách, trả lại tiền cọc hoặc bảo lưu tiền cọc, tạo điều kiện để du khách quay trở lại Tà Xùa khi thời tiết đảm bảo.
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND H.Bắc Yên, cho hay các lực lượng cảnh giới đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở, tuyệt đối không cho người dân quay lại nơi nguy hiểm; yêu cầu các chủ homestay nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cam kết không đón khách, lưu trú và di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Huyện cũng đã ban hành văn bản tuyên truyền các cơ sở lưu trú không đón khách; đồng thời khuyến cáo hạn chế khách du lịch đến xã Tà Xùa trong thời gian mưa lũ.
"Thiên tai không thể lường trước, những ngày qua mưa liên tục, khối lượng đất đá từ đỉnh núi sụt xuống, sạt lở quá lớn. Dự báo thời gian tới, khu vực này vẫn còn những vết nứt gãy kéo dài, trên tuyến tỉnh lộ 112 có rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân và du khách khi lưu thông trên tuyến đường này cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả sạt lở, chúng tôi sẽ đánh giá tình hình địa chất để đảm bảo ổn định đời sống, an toàn cho người dân và du khách", ông Nguyên nói.
Còn theo ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Wonder Tour, các điểm du lịch miền núi phía bắc luôn thu hút khách tham quan, khám phá. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở, mưa lũ ở Hà Giang, Tà Xùa, mới đây nhất là 2 du khách bị lũ cuốn trôi khi đi du lịch tại Tam Đảo… khiến nhiều người lo ngại đi du lịch trong mùa mưa bão.
Ông Năng khuyến nghị: "Đi du lịch đến các vùng núi vào mùa này rất có khả năng gặp lũ ống, lũ quét bất ngờ, do đó du khách nên chọn các đơn vị uy tín để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm. Hợp đồng của các công ty thường có các điều khoản hủy tour trong trường hợp bất khả kháng như mưa bão, du khách sẽ được bồi hoàn lại tiền hoặc dời lịch sang thời điểm thích hợp".
Ngoài ra, ông Năng lưu ý du khách cần cân nhắc lựa chọn thời điểm đặt tour, đặc biệt lưu ý xem thông tin dự báo thời tiết sớm. Hiện có một số ứng dụng có thể xem dự báo thời tiết với độ chính xác cao trước từ 1 - 2 tuần.
Đối với du khách đi du lịch tự túc, tự chủ về phương tiện, cần phải tìm hiểu thông tin điểm đến, nơi cư trú có an toàn hay không, có được cấp phép hay không. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành hoặc công ty bảo hiểm bán bảo hiểm du lịch khi đến những nơi có nguy cơ rủi ro. Giá bảo hiểm du lịch cũng không đắt.
Mùa mưa bão, trong xe cũng nên chuẩn bị các dụng cụ thoát hiểm như búa cường lực, bình chữa cháy, dụng cụ y tế sơ cứu khi cần thiết, thuốc phòng chống côn trùng…
Với kinh nghiệm sinh sống lâu năm tại miền núi, anh Nguyễn Văn Hoan khuyến cáo khách du lịch nên lựa chọn điểm đến an toàn, lịch trình phù hợp, tránh những nơi có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ.
Trước khi lên đường, du khách cần chuẩn bị tư trang hành lý mang theo như áo mưa, ô, giày dép chống trượt, sạc pin dự phòng, chống muỗi côn trùng, cảm sốt… Nên kết nối, nắm bắt thông tin từ người bản địa để biết rõ tình hình thời tiết, giao thông nơi đến để phòng tránh. Đặc biệt, không nên di chuyển vào ban đêm, hạn chế lưu trú ở gần khu vực sông suối, nơi có nguy cơ sạt lở.
"Đường miền núi phía thường nhiều đèo, dốc quanh co rất nguy hiểm khi gặp mưa lũ. Du khách nên ưu tiên an toàn là trên hết, chỗ nào nguy hiểm, chính quyền địa phương đã có cảnh báo thì không nên đi. Khi gặp mưa nên chọn điểm an toàn trú ngụ, không nên mạo hiểm cố đi vào khu vực có đập tràn, sông, suối…, nếu không có kỹ năng sẽ rất khó xử lý tình huống bất ngờ. Để không ảnh hưởng đến lịch trình trải nghiệm, du lịch nên dời sang tháng 9 thời tiết thuận lợi đi cho an toàn", anh Hoan khuyến cáo.
Bình luận (0)