Theo đó, HĐND TP.HCM thống nhất dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn mà T.Ư bố trí cho TP.HCM năm 2022 là hơn 2.479 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư trong nước sẽ dùng để đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) là 1.000 tỉ đồng; dự án Xây dựng nút giao thông An Phú là 365 tỉ đồng; dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM là hơn 283,6 tỉ đồng; dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, H.Bình Chánh là 120 tỉ đồng.
Kênh Tham Lương |
đào ngọc thạch |
Nguồn vốn ODA (vốn hợp tác phát triển chính thức, một hình thức đầu tư nước ngoài - PV) cấp phát từ ngân sách T.Ư cho dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 với số vốn là 190 tỉ đồng; dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 (WB) với số vốn là 400 tỉ đồng; dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (SECO) với số vốn là 50 tỉ đồng; dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM (dự án SPR) với số vốn là 11 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên là 60 tỉ đồng.
Đồng thời, HĐND TP.HCM thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP.HCM là 42.508 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công cân đối từ nguồn bội chi ngân sách TP.HCM trong năm 2022 là hơn 9.929 tỉ đồng; vốn đầu tư công cân đối từ ngân sách TP.HCM là hơn 32.578 tỉ đồng.
Như thế, TP.HCM dự kiến dành khoảng 45.000 tỉ đồng (gồm nguồn vốn từ T.Ư và tại địa phương) cho đầu tư công.
HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, tiết kiệm; quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ với các dự án xây dựng trường học, y tế, giao thông phục vụ dân sinh, các dự án phục vụ công tác phòng chống dịch cần được.
Đối với các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, các dự án đã có khối lượng và dự án có khả năng hoàn thành trong năm cần xem xét ưu tiên bố trí đảm bảo đủ vốn để thực hiện dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
UBND TP.HCM tránh bố trí dàn trải cho nhiều dự án chưa thật sự cần thiết gây mất cân đối khi bố trí sử dụng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận (0)