TP.HCM: Bị CSGT thổi phạt, người vi phạm nói 'anh giữ xe em luôn đi!'

22/01/2022 07:42 GMT+7

Bị CSGT TP.HCM lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính lỗi nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, ông L.Đ.Q. năn nỉ 60 phút chứ không chịu ký biên bản. Ông Q. còn tự xưng là công chức ngành giao thông và xin... thông cảm.

Tối 21.1, Đội CSGT Bàn Cờ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM tổ chức lực lượng thực hiện chuyên đề nồng độ cồn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 22 giờ cùng ngày, tổ công tác gồm CSGT và Cảnh sát cơ động có mặt tại giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) lập chốt xử phạt nồng độ cồn.

Tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM)

Bích Ngân

Theo chân tổ công tác sau khoảng 1 giờ lập chốt tại đây, chúng tôi ghi nhận nhiều tình huống "dở khóc, dở cười". Tổ công tác cũng đã lập biên bản, tạm giữ xe 2 tài xế sử dụng bia, rượu.

"Anh biết tôi là ai không?"

Khoảng 22 giờ ngày 22.1, ông L.Đ.Q. (43 tuổi, ngụ Q.3) chạy xe máy đi từ đường Lý Chính Thắng đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) thì bị Tổ công tác dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Sau khi kiểm tra, máy đo hiển thị nồng độ cồn của ông Q. là 0,439 miligam/lít khí thở.

Khi cán bộ CSGT yêu cầu ông Q. xuất trình giấy tờ kiểm tra hành chính, ông Q. líu ríu: "Tôi sai rồi, anh thông cảm, cuối năm nên tổ chức tất niên cho anh em", đồng thời cũng đưa giấy tờ xe cho CSGT kiểm tra. Nhưng khi CSGT yêu cầu di chuyển qua khu vực lập biên bản xử phạt hành chính, ông Q. cự cãi: "Anh biết tôi là ai không, anh cầm giấy tờ mà không biết tôi là ai sao... Tôi là công chức ngành... giao thông đấy".

Có trường hợp người vi phạm viện cớ hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng phạt hoặc đã biết lỗi sai... để xin tha, chứ không chịu ký biên bản vi phạm

Bích ngân

Trường hợp của ông Q. bị CSGT lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính lỗi nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, bị tạm giữ xe và giấy phép lái xe.

Sau khi nghe CSGT đọc lỗi vi phạm và mức phạt, ông Q. hoảng hốt, liên tục phân trần: "Em còn tỉnh mà, anh có cần phải giữ xe em không. Anh giữ giấy phép lái xe rồi em lên đóng phạt là được rồi, nhà em cũng ở gần đây thôi. Em cả đời không sai, hôm nay em sai thì em đã xin lỗi anh rồi mà anh không chịu... thông cảm gì hết. Anh giữ luôn xe em đi, chứ em thu nhập có 3 - 4 triệu/tháng, em không có tiền đóng phạt nên em nhất quyết không ký biên bản đâu...".

Lực lượng chức năng địa phương đến làm người chứng kiến tổ công tác kiểm tra xe, niêm phong xe đối với trường hợp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh ký biên bản xử phạt

Bích ngân

Ông Q. sau đó tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, không chịu ký biên bản mặc cho Tổ công tác thuyết phục. Gần 1 tiếng sau, ông Q. vẫn không chịu chấp hành ký biên bản nên CSGT buộc phải gọi lực lượng chức năng địa phương đến chứng kiến quá trình kiểm tra xe, niêm phong xe và mang xe của ông Q. về trụ sở.

"Uống 7 lon... là bình thường"

Khoảng 5 phút sau, anh N.V.H. (38 tuổi, ngụ Q.12) chạy xe máy chở theo người bạn khi đến giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng bị Tổ công tác dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Người vi phạm nói uống 7 lon bia là... bình thường, cho đến khi nghe CSGT đọc khung hình phạt thì líu ríu xin tha...

Bích ngân

Qua miễn tra, nồng độ cồn của anh H. là 0,606 miligam/lít khí thở. Anh H. nói đi nhậu tất niên về "uống 7 lon bia... là bình thường". Cho đến khi nghe CSGT đọc lỗi vi phạm là nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, bị tạm giữ xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe... anh H. mới ríu rít xin tha: "Anh phạt tiền em lên đóng phạt được rồi, anh đừng giữ xe... để em còn đi làm".

Mức xử phạt hành chính lỗi nồng độ cồn vượt mức

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa đến 8 triệu đồng (đối với xe gắn máy); đến 40 triệu (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, đồng thời phương tiện sẽ bị tạm giữ 7 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.