TP.HCM cần mạnh dạn chấp nhận số F0 gia tăng để phục hồi kinh tế

16/10/2021 12:25 GMT+7

Các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh TP.HCM phải mạnh dạn, chủ động xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Sáng 16.10, TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025” do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố gặp nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Hiện nay, tình hình dịch về cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp nên cần phải nỗ lực nhiều hơn để kết quả này được bền vững. Tuy nhiên thành phố vừa phải chống dịch vừa có tính toán, lộ trình phục hồi kinh tế - xã hội, điều này rất quan trọng nhưng cũng rất khó. UBND đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cùng phối hợp với các cơ quan, nhà khoa học để xây dựng kịch bản phát triển từ nay đến năm 2025 và sẽ cố gắng trong tháng 10 hoàn thành dự thảo chương trình để trình thông qua Thành ủy, HĐND. Trong quá trình đó sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo hoặc xin ý kiến để hoàn thiện.

Hội thảo về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM sáng 16.10

m.phương

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Trường ĐH Y dược TP.HCM - nhấn mạnh thành phố có thể mạnh dạn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trong điều kiện sống chung với Covid-19. Với tỷ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm mũi 2, TP đã được miễn dịch cộng đồng một phần. Điều này làm giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới. Tuy nhiên do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên người không tiêm ngừa vẫn còn khả năng mắc bệnh, dịch vẫn còn khả năng gia tăng. Vì vậy bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện 5K, tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại cơ quan, xí nghiệp, TP nên mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ vì nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát trển kinh tế là nhỏ. Đồng thời cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; Chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát và không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vắc xin 2 mũi...

Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng bao nhiêu liều vắc xin Covid-19?

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật chỉ ra những tổn thất của kinh tế TP.HCM trong những tháng vừa qua. Đặc biệt các cá nhân, hộ gia đình gặp khó khăn rất lớn nhưng chưa có nhiều số liệu thống kê và các doanh nghiệp kiệt quệ tài chính... Trong khi đó, chính sách giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư trong ngắn hạn nhưng trong bối cảnh hiện nay dư địa để thực hiện không còn nhiều. Vì vậy ông Khánh kiến nghị đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Riêng TP.HCM, cần sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói tức thời và gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn như tái phân bổ chi ngân sách, kiến nghị ngân sách trung ương cấp bổ sung, phát hành trái phiếu đô thị, chuyển nhượng tài sản công...

TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn Chính phủ - nhận định việc phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố đều phải dựa vào việc an toàn với Covid-19. Việc gãy đổ kinh tế tại TP.HCM không phải do thị trường gãy mà do phòng chống Covid-19 đã gây ra nên khi nhà nước mở chỗ nào thì chỗ đó phục hồi tự nhiên theo kinh tế thị trường. TP.HCM mà “liệt” thì cả vùng kinh tế và cả nước bị ảnh hưởng nên ông nhấn mạnh, việc phục hồi kinh tế này không chỉ của riêng TP mà là vấn đề chung của quốc gia. Trước hết là vấn đề của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long... Do đó ông cho rằng thành phố cần dùng đầu tư công, kích tổng cầu; Nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm, chứ không phải xin - cho. Đồng thời thực hiện hỗ trợ tài chính; Cải thiện môi trường đầu tư để kích cầu đầu tư tư nhân; Phát hành trái phiếu đô thị 10 năm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.