TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 8,3 triệu người với hơn 11.536 tỉ đồng

05/11/2021 17:21 GMT+7

Tính đến cuối tháng 10, với các chính sách hỗ trợ khác nhau (gồm của Chính phủ và của riêng TP.HCM), chính quyền TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 8,3 triệu người với tổng số tiền hơn 11.536 tỉ đồng.

Từ tháng 7.2021 đến nay, tại TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, nổi bật là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Nghị quyết 68/2021 (sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 nới lỏng nhiều điều kiện nhận hỗ trợ); Nghị quyết 116/2021 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Riêng TP.HCM cũng ban hành các gói hỗ trợ Covid-19 thông qua 3 đợt vừa qua dành cho lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân khó khăn...

Chính quyền P.4, Q.5 hỗ trợ gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19 (ảnh chụp ngày 1.10)

p.t.n

Ngày 5.11, theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến ngày 30.10, TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 8,3 triệu người với tổng số tiền hơn 11.536 tỉ đồng (con số này chưa bao gồm chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế theo Nghị quyết 68; chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và chính sách hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM).

Trên 86,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm

Một số kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tại TP.HCM như sau:

- Hỗ trợ cho 101.356 đơn vị với số lao động hơn 2,3 triệu người với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ cho 268 đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

- Hỗ trợ cho hơn 157.000 người với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ 197 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Hỗ trợ cho 139 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hỗ trợ cho 1.183 hướng dẫn viên du lịch.

- Hỗ trợ cho 23.363/28.069 hộ kinh doanh (đạt tỷ lệ 83,23%), 21.335/21.554 điểm kinh doanh với chính sách hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.

Riêng các chính sách tại TP.HCM, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu người lao động tự do; hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động khó khăn qua 2 đợt. Còn đợt 3, TP.HCM đã và đang chi trả cho hơn 7,4 triệu người.

Ngoài các chính sách này, TP.HCM còn hỗ trợ gạo cho người dân với tổng số lượng gạo được phân bổ hơn 71.000 tấn. Tính đến nay, số lượng gạo này đã được cấp phát hết cho hơn 4,7 triệu dân khó khăn.

Với những kết quả thực hiện đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá cao đội ngũ cán bộ chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, chịu nhiều áp lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TP.HCM đã hỗ trợ hơn 11.536 tỉ đồng cho hơn 8,3 triệu người

Áp lực, chậm tiến độ...

Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng nhận định những hạn chế trong thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ tại TP.HCM vừa qua, trong đó, đơn vị cho rằng công tác tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn lúng túng, tiến độ giải ngân còn chậm; việc phối hợp kiểm tra, rà soát, cập nhật đối tượng chưa đầy đủ, phê duyệt chưa kịp thời; chưa chú trọng tuyên truyền chính sách...

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài trong khi đối tượng thụ hưởng ngày càng mở rộng, số lượng người khó khăn tăng dần. Chính điều này là một áp lực lớn với cán bộ cơ sở, kéo theo hệ lụy thực hiện các chính sách an sinh còn chậm tiến độ.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xác định, điều TP.HCM cần làm thời gian tới chính là phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ. Song song đó, phải thực hiện đối soát và hoàn thiện lại tất cả dữ liệu chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 để cập nhật lên hệ thống an sinh xã hội của TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.