Các chính sách an sinh xã hội mà Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổng hợp, báo cáo tiến độ, gồm gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1 (căn cứ Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM và Công văn 2209/2021 của UBND TP.HCM); gói hỗ trợ Covid-19 đợt 2 (căn cứ Công văn 2627/2021 và Công văn 2799/2021 của UBND TP.HCM); gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 (căn cứ Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM và Công văn 3181/2021 của UBND TP.HCM); và chính sách hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến trưa 20.11, tổng hợp các chính sách hỗ trợ Covid-19, TP.HCM đã chi trả cho hơn 8,8 triệu đối tượng với tổng tiền hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho hơn 8,7 triệu dân và hơn 100.000 doanh nghiệp.
TP.HCM đã hỗ trợ cho lao động tự do qua 2 đợt đầu tiên là hơn 1 triệu lượt người; hơn 1,28 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động khó khăn.
Ngoài ra, tính chung các đối tượng theo diện Nghị quyết 09 của TP.HCM và Nghị quyết 68 của Chính phủ thì TP.HCM đã chi trả cho hơn 171.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ cho hơn 9.300 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động...
TP.HCM cũng hỗ trợ hơn 21.500 thương nhân tại các chợ truyền thống bị ảnh hưởng Covid-19.
Với doanh nghiệp, TP.HCM hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (theo Nghị quyết số 68) cho hơn 101.000 đơn vị, hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 79 đơn vị...
Riêng gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, chi cho "người có hoàn cảnh thật sự khó khăn" với 5 diện thụ hưởng, danh sách thẩm định phê duyệt được các quận, huyện và TP.HCM cập nhập lên phần mềm quản lý là hơn 7,6 triệu người (thực tế, danh sách các địa phương cung cấp để đề nghị TP.HCM dự trù kinh phí là 8 triệu người).
Thống kê tính đến trưa 20.11, TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 6,18 triệu người, còn hơn 1,5 triệu người chưa chạm tay gói an sinh này.
Người dân Q.Phú Nhuận (TP.HCM) nhận gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 |
phạm thu ngân |
Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ chi trả cao gồm Q.3, Q.5, Q.10, Q.Phú Nhuận. Địa phương có tỷ lệ chi thấp là Q.7 (chi đạt 69,9%; còn hơn 77.000 người chưa nhận hỗ trợ), Q.Bình Tân (chi đạt 49,2%; còn hơn 391.800 người chưa nhận hỗ trợ); H.Bình Chánh (chi đạt 41,1%; còn hơn 472.000 người chưa nhận hỗ trợ).
Tại các địa phương đạt tỷ lệ chi thấp, cơ quan chức năng thông tin nguyên do chính dẫn đến việc chi trả chậm tiến độ là vì thiếu kinh phí, trong khi địa bàn rất đông dân. Qua đó, ngày 29.10, các địa phương đề xuất TP.HCM cần "rót" thêm ngân sách để giải quyết bức xúc của dân.
Tuy nhiên, đến nay, việc chi trả hỗ trợ đợt 3 tại một số nơi vẫn còn ì ạch. Một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, kinh phí vẫn còn đang chờ, "khi có sẽ tiếp tục chi cho bà con".
Tờ trình ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM về gói đợt 2
Ngày 19.11, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã gửi khẩn tờ trình UBND TP.HCM về ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn (tức ban hành Nghị quyết của HĐND về gói hỗ trợ Covid-19 đợt 2).
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, vào giai đoạn tháng 7, tháng 8, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TP.HCM về việc tiếp tục triển khai công tác an sinh xã hội phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch; tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn, trong hoàn cảnh cấp bách, khẩn trương, UBND TP.HCM đã ra quyết định ban hành Công văn 2627 (triển khai hỗ trợ đợt 2), sau đó sẽ báo cáo HĐND TP.HCM trong kỳ họp gần nhất.
Gói hỗ trợ Covid-19 đợt 2 chi trả hỗ trợ cho lao động tự do lần 2 và mở rộng một số đối tượng đặc thù gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, để đảm bảo cơ sở căn cứ pháp lý phù hợp với quy định pháp luật nên cần thiết ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 (về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19) và Nghị quyết số 86 của Chính phủ (về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh). Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 1.930 tỉ đồng (mức 1,5 triệu đồng/hộ).
Bình luận (0)