TP.HCM đề xuất có Quy trình hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục

25/06/2022 10:58 GMT+7

Thực tế có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị quấy rối tình dục không có khả năng cung cấp hoặc thu thập chứng cứ nên không thể yêu cầu trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngày 25.6, tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đầu tháng 5 vừa qua, UBND TP.HCM đã giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành để rà soát, tham mưu, đề xuất phương thức hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục trên địa bàn.

Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cụm từ “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” mới chỉ được đề cập ở Bộ luật Lao động năm 2019 và Bộ quy tắc ứng xử phòng, chống quấy rối tình dục ở nơi công cộng do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành. Và gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về “hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục”.

Dẫu vậy, pháp luật Việt Nam chưa có “quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết để xác định hành vi quấy rối tình dục”; chưa có “quy trình can thiệp hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục” và chưa có “quy định về thẩm quyền xử lý, cách xác định, bằng chứng để chứng minh bị quấy rối tình dục”.

Thực tế có rất nhiều trường hợp nạn nhân không có khả năng cung cấp hoặc thu thập chứng cứ nên không thể yêu cầu trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, từ thực trạng đó, những năm qua đơn vị đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và nhiều đơn vị triển khai nhiều khảo sát, nghiên cứu; tham mưu UBND TP.HCM và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP.HCM tổ chức hoạt động nâng cao năng lực về bạo lực trên cơ sở giới, trong đó tập trung chỉ đạo và triển khai các giải pháp can thiệp về phòng ngừa quấy rối tình dục ở nơi công cộng; tích hợp trong các hoạt động của Chương trình “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”.

Trong giai đoạn tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức lồng ghép vấn đề giới và phòng chống quấy rối tình dục trong quá trình xây dựng kế hoạch cải tạo và đầu tư vào sự an toàn và sự phát triển của các không gian công cộng.

Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất thành lập tổ công tác để nghiên cứu và tham mưu cho UBND TP.HCM “Quy trình phối hợp, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục trên địa bàn TP.HCM”.

Báo động quấy rối tình dục ở nơi công cộng

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, năm 2017, đơn vị phối hợp với UN Women thực hiện khảo sát, nghiên cứu cho chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó cho ra những bằng chứng về vấn đề quấy rối tình dục.

Cụ thể, hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái bằng lời nói, hành động, cử chỉ gợi dục ngoài ý muốn ở nơi công cộng tương đối cao. Có 40,9% nam giới và 38,6% nữ giới được hỏi đã chứng kiến về các vụ việc quấy rối tình dục đối với phụ nữ/trẻ em gái ở nơi công cộng trong vòng 12 tháng qua (tại thời điểm năm 2017).

Tỷ lệ nạn nhân bị quấy rối tình dục là tương đối đáng báo động. Có 18,5% phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục trong vòng 12 tháng qua. Có 11,7% nam giới trả lời phỏng vấn cho biết họ đã thực hiện hành vi quấy rối tình dục.

Thời điểm bị quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là buổi tối; nạn nhân tập trung chính vào nhóm phụ nữ có độ tuổi 15 - 30 tuổi. Người thực hiện hành vi quấy rối tình dục chủ yếu là nhóm nam giới có độ tuổi từ 20 - 49 tuổi. Phần lớn giữa nạn nhân bị quấy rối tình dục và người thực hiện hành vi quấy rối ở nơi công cộng là người lạ, không quen biết.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho hay nhiều địa điểm công cộng ở TP.HCM được xác định là không an toàn, ẩn chứa nhiều nguy cơ quấy rối tình dục như nhà vệ sinh công cộng; công viên; trên xe buýt, nhà chờ, bến đỗ ô tô buýt; ngõ/hẻm; nhà hàng/quán bar.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.