Ngày 1.10, các địa phương tại TP.HCM gấp rút triển khai chi trả gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Hơn 120 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP.HCM ban hành lần lượt các chính sách hỗ trợ, mở rộng dần các đối tượng, điều kiện thụ hưởng. Đến ngày 25.9, dựa trên Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM, UBND TP đã triển khai gói hỗ trợ đợt 3 với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng, nổi bật là mở rộng chi cho các thành viên như cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ với người khó khăn.
Tiền hỗ trợ động viên người dân trong bối cảnh mới
Từ sáng sớm 1.10, cán bộ chi hỗ trợ của UBND P.17 (Q.Phú Nhuận) kê bàn trước hẻm 39 Huỳnh Văn Bánh và đi đến từng nhà, gọi người dân ra nhận hỗ trợ. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trâm, Chủ tịch UBND P.17, phường dự kiến hỗ trợ hơn 6.000 người dân khó khăn đợt 3. “Riêng tại hẻm 39 Huỳnh Văn Bánh, phường sẽ chi trả cho 486 người, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/lần. Để việc hỗ trợ đồng bộ, nhanh chóng, địa phương còn lập thêm nhiều điểm chi trả trên địa bàn, thông báo giờ cho người dân cách khoảng 20 phút đến nhận theo số thứ tự, xếp hàng đảm bảo nguyên tắc 5K”, bà Trâm nói.
Về thủ tục nhận tiền, UBND P.17 cho hay, người dân chỉ cần đem giấy CMND/CCCD hoặc sổ hộ khẩu/sổ tạm trú để cán bộ chi trả rà soát. Đối chiếu với danh sách đúng trường hợp, người dân sẽ ký nhận, lãnh tiền. Song song đó, cán bộ chi trả cập nhật lên ứng dụng quản lý trên điện thoại “SafeID Delivery” của Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (Công ty QTSC) phát triển, để hoàn thành đơn.
Đi bán vàng lấy tiền xoay xở sau nhiều tháng thất nghiệp vì Covid-19 |
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, đợt 3 này quận dự kiến chi trả cho khoảng 128.936 trường hợp theo hình thức “cuốn chiếu”. Đồng thời, người dân đủ điều kiện thì vẫn được lập danh sách thẩm định, chi trả. Địa phương phấn đấu hoàn thành chi hỗ trợ trước ngày 10.10.
Còn tại P.Võ Thị Sáu (Q.3), công tác chi trả đã thực hiện cấp tập từ ngày 30.9. Bà Trần Thị Mỹ Hương, Phó chủ tịch UBND phường, cho hay khi chưa có kinh phí từ TP xuống thì địa phương đã tự ứng để chi hỗ trợ cho dân. Phường đã chia thành 13 nhóm, mỗi nhóm 3 người để xuống 13 khu phố phát tiền hỗ trợ cho người dân. Theo danh sách, phường có 16.315 người dân được nhận hỗ trợ đợt 3; đồng thời, danh sách này sẽ được dán niêm yết, công khai để nhận phản hồi, ý kiến từ người dân.
Bà Vũ Thị Hồng Hạnh (ngụ P.Võ Thị Sáu, làm nghề giúp việc nhà), sau khi ký nhận lấy số tiền 1 triệu đồng, phấn khởi chia sẻ rằng mình “không bị bỏ lại phía sau”. “4 tháng nay, gia đình tôi ở nhà, không có thu nhập, rất khó khăn. Bây giờ được nhận tiền để trang trải, rồi cũng nghe tin TP.HCM nới lỏng giãn cách, tôi có tinh thần hơn để bắt đầu cuộc sống bình thường mới”, bà Hạnh nói.
Chính quyền chia sẻ khó khăn kịp thời cho người dân
Ngày 1.10, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, và ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cùng đoàn đến giám sát việc thực hiện chi trả tại P.4, Q.5.
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND Q.5 cho hay, địa phương có khoảng 154.000 dân với 14 phường. Dự kiến, với gói hỗ trợ đợt 3, Q.5 sẽ chi trả hỗ trợ cho 61.977 người của 28.000 hộ cố gắng hoàn thành trong 10 ngày, tức tới ngày 10.10.
Trong đó, bà Diệc Tuyết Mai, Chủ tịch UBND P.4 (Q.5), thông tin trước dịch Covid-19, phường có khoảng 10.000 người, tuy nhiên trừ số lượng người về quê tránh dịch hiện còn khoảng 9.000 dân. “Phường sẽ phát hỗ trợ cho khoảng 3.840 người; tiến hành chi trả trực tiếp, đồng thời gửi danh sách về các khu phố, tổ dân phố để công khai, minh bạch với bà con”, bà Mai nói.
Tương tự, nhiều điểm chi trả khác trên TP, để việc chi trả nhanh chóng, các phường, xã lập danh sách và điểm chi trả tiền theo tuyến đường, con hẻm. Người dân chỉ cần mang giấy tờ tùy thân, đối chiếu danh sách, ký tên nhận tiền. Đồng thời, cán bộ chi trả sẽ chụp hình người nhận, cập nhật trực tiếp lên phần mềm ứng dụng quản lý chi trả “SafeID Delivery” trên điện thoại rằng “đơn hàng” của người nhận đã hoàn thành.
Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc ứng dụng các phần mềm trong công tác chi trả tiền hỗ trợ của TP.HCM là rất kịp thời. Thông qua ứng dụng sẽ đảm bảo đúng đối tượng, minh bạch. Điều này, sẽ giúp cho người dân an tâm, cũng như cảm nhận được sự quan tâm của chính quyền đã góp phần chia sẻ khó khăn với bà con.
TP.HCM đã chi hỗ trợ cho khoảng 90.000 người dân
Trước đó, phát biểu tại livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 30.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho hay, theo kế hoạch chi trả gói hỗ trợ đợt 3 là từ ngày 1 - 15.10, tuy nhiên quan điểm của TP.HCM vẫn là hỗ trợ càng sớm càng tốt. Chính quyền TP.HCM đã có chỉ đạo quy trình, theo đó, toàn bộ danh sách lập dưới phường, xã sẽ đưa lên phần mềm quản lý “SafeID Delivery” để rà soát, lọc với những trường hợp không được nhận. Khi có được danh sách chuyển về thì tại địa phương cũng sẽ tổ chức rà soát, xét duyệt lần nữa rồi mới chuyển lên quận, huyện thẩm định, phê duyệt. Nếu trong quá trình này vẫn còn sót người diện nhận hỗ trợ thì người dân cứ mạnh dạn phản ánh với địa phương để được cập nhật.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đánh giá, ứng dụng “SafeID Delivery” giúp chính quyền TP kiểm tra, giám sát việc thực hiện gói này. Thông qua ứng dụng, lãnh đạo các địa phương và chính quyền có thể biết cụ thể chi trường hợp nào, ở đâu nhận, biết được tiến độ của từng tổ, phường... để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. “Tuy nhiên, ứng dụng này để chính quyền quản lý chứ không phải để người dân dùng. Hình thức chi trả vẫn do địa phương tổ chức các nhóm đi để chi trực tiếp cho dân”, ông Hoan lưu ý.
Covid-19 sáng 2.10: Cả nước 797.712 ca nhiễm, 636.081 ca khỏi | TP.HCM chuẩn bị chi gói hỗ trợ đợt 3 |
Theo dự kiến của kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ đợt 3, từ ngày 1.10, TP.HCM triển khai chi trả hỗ trợ, nhưng từ ngày 29.9, nhiều địa phương đã cấp tập phát tiền cho người dân. Sở LĐ-TB-XH cho biết, dự kiến ban đầu, số lượng người được nhận hỗ trợ khoảng 7,3 triệu người (tương đương dự toán kinh phí 7.300 tỉ đồng), tuy nhiên, thực tế số lượng nhận hỗ trợ có thể thấp hơn, vì sẽ loại trừ ra 4 diện không được nhận hỗ trợ; diện người có hoàn cảnh không thật sự khó khăn và số người tự nguyện không nhận. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết tính đến chiều 1.10, TP.HCM đã chi hỗ trợ cho khoảng 90.000 người dân.
Nhận tiền hỗ trợ nhanh chóng, bà Nguyễn Thị Phúc (69 tuổi, ngụ P.17) vui mừng cho hay, trước dịch Covid-19, bà bán vé số mưu sinh, còn chồng làm bảo vệ ở tỉnh Long An. Nhưng khi giãn cách xã hội, vé số ngưng hoạt động, chồng bà cũng mất việc. Mấy tháng qua, gia đình cầm cự bằng tiền dành dụm. Bà nói: “Cả 3 đợt tôi đều thuộc diện được nhận hỗ trợ, đợt 1 và đợt 2 là nhóm lao động tự do. Nhận số tiền này, tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên cho thời gian sắp tới”.
Bình luận (0)