TP.HCM ghi nhận hơn 715.000 tin phản ánh về các gói hỗ trợ Covid-19

13/12/2021 19:24 GMT+7

Qua thống kê từ các quận huyện và TP.Thủ Đức, tính đến nay TP.HCM tiếp nhận hơn 715.000 tin phản ánh liên quan đến các gói hỗ trợ Covid-19 cả 3 đợt vừa qua.

Ngày 13.12, tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đơn vị này đã có báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM (đợt 1, đợt 2, đợt 3).

Theo đó, với chính sách hỗ trợ lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động), đợt 1, TP.HCM đã hỗ trợ 387.393/392.315 người (đạt 98.75%) với tổng số tiền hơn 581 tỉ đồng. Đợt 2, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ cho 627.815/645.610 lượt người (đạt 97.24%) với tổng số tiền hơn 1.188 tỉ đồng.

Đoàn công tác của UBND TP.HCM kiểm tra tại UBND Q.Bình Tân về việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 hồi tháng 11

KHÁNH TRẦN

gói hỗ trợ Covid-19 đợt 2 cũng có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động khó khăn, theo thống kê đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ cho 38.033/38.128 hộ nghèo, hộ cận nghèo (đạt 99,75%) với tổng số tiền hơn 57 tỉ đồng. Đồng thời, hỗ trợ cho 1,2 triệu hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn (đạt 97,59%) với tổng kinh phí hơn 1.817 tỉ đồng.

gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, TP.HCM hỗ trợ cho "người có hoàn cảnh thật sự khó khăn". Đến nay, đã hỗ trợ cho hơn 6,2 triệu người (đạt 80,77%). Tuy nhiên đến nay, vẫn còn khoảng 1,5 triệu người chưa được nhận số tiền hỗ trợ này.

Khi triển khai các chính sách hỗ trợ, TP.HCM ghi nhận 25.907 trường hợp đã nhận hỗ trợ nhưng không thỏa đủ điều kiện (với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng), hiện các quận huyện và TP.Thủ Đức đã thu hồi 24.999 trường hợp, còn lại 908 trường hợp chưa thu hồi với số tiền gần 1,3 tỉ đồng.

Bản tin Covid-19 ngày 13.12: Cả nước 15.377 ca mới | Hồi hộp ngày đầu mở cửa lại trường học

Kinh phí chi hỗ trợ đợt 3 chưa kịp thời

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá, mặt hạn chế của việc chi hỗ trợ đợt 3 chính là kinh phí chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, chi hỗ trợ. Ngoài ra, do các địa phương vẫn chưa nắm hết số lao động tự do trên địa bàn, đặc biệt là những trường hợp lưu trú nên khi TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách xã hội, số lượng người dân khó khăn ngày càng cao.

Cụ thể, lao động tự do của gói 2 tăng thêm gấp hai lần so với gói 1 và đặc biệt là số lượng lao động hỗ trợ trong gói 3 tăng gấp nhiều lần so với gói 1, gói 2. Đến nay, TP.HCM vẫn chưa thể bổ sung đủ dự toán kinh phí cho các địa phương nên vẫn còn nhiều người đã được phê duyệt danh sách chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Về công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết các vấn đề phát sinh, thắc mắc, khiếu nại của người dân trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, công an, thanh tra các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã có xây dựng phối hợp, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở chính quyền xã, phường, thị trấn để thực hiện các gói hỗ trợ đúng quy trình, tiến độ, minh bạch.

Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động thành lập, công khai và tiếp nhận, giải quyết các nội dung thắc mắc, khiếu nại từ đường dây nóng, Cổng thông tin quốc gia, từ các sở, ngành TP.HCM và đường dây nóng Tổng đài 1022 chuyển đến. Qua thống kê, số lượng thông tin tiếp nhận và giải quyết liên quan đến các gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2, đợt 3 tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức là hơn 715.000 tin, trong đó có 715.236 phản ánh, 17 khiếu nại và không có đơn tố cáo). Hiện, TP.HCM đã giải quyết hơn 714.000 tin, còn 998 tin đang thụ lý giải quyết.

TP.HCM chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong ngày đầu học trực tiếp

TP.HCM chứng kiến số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm

Theo Sở LĐ-TB-XH, TP.HCM hiện có 286.336 doanh nghiệp và 465.348 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động; đồng thời TP.HCM có hơn 4,7 triệu lao động (trong đó, có 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức).

Từ tháng 6 - 9.2021, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, thị trường lao động TP.HCM đã bị tác động ở nhiều mặt như: nguồn cung lao động suy giảm; số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực (giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ); tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp làm tăng cao (có thời điểm lên 7,6%). Chưa kể, TP.HCM đang có sự dịch chuyển lao động lớn về các tỉnh, cụ thể, trong giai đoạn này, đã có khoảng 292.000 người từ TP.HCM về quê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.