Trao đổi với PV Thanh Niên về biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng đột biến của vi rút là ở khắp nơi nên quan điểm là theo dõi sát. UBND TP.HCM đã có chỉ đạo theo dõi chặt người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh qua đường bộ, nhập cảnh “chui”; chuyên gia đặc biệt vào VN vẫn phải cách ly 14 ngày và giám sát chủng mới.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất trước dịch bệnh Covid-19 |
Độc Lập |
“Người dân không nên hoang mang quá. Nhưng thời điểm này thích ứng và ứng xử của người dân là quan trọng nhất. Hiện nay người dân tập trung đông, đi nhiều, mắc bệnh và mang về lây cho gia đình, nhất là lây cho người lớn tuổi, tử vong. Với số ca tăng như hiện nay là nguy cơ gây nguy hiểm. Biến chủng mới lây nhiều hơn biến chủng Delta thì càng nguy hiểm”, vị này nói.
Covid-19 sáng 29.11: Cả nước 1.210.340 ca nhiễm | Biến thể Omicron khiến cả thế giới bất an |
Cần có nghiên cứu đầy đủ
Một số nước trên thế giới hiện đang có những biện pháp hạn chế đi lại đối với nước xuất hiện biến chủng Omicron của SARS-CoV-2. Còn VN hiện đang từng bước trở lại bình thường mới, và nguy cơ đợt dịch thứ 5 và biến thể mới xâm nhập đe dọa trở lại bất cứ lúc nào.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), hiện còn quá sớm để nói, nhưng trong bất kỳ tình huống nào cũng phải cảnh giác. Những nghiên cứu cũng chưa biết biến chủng mới có gây bệnh nặng hơn hay không. Giả sử biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn biến chủng Delta nhưng không gây bệnh nặng bằng Delta thì sẽ không đáng lo vì không gây tử vong, có miễn dịch như từng có các loại bệnh dịch xảy ra. Cũng có thể Omicron gây bệnh nặng hơn nhưng chưa biết; hay có “trốn thoát” được vắc xin thì cũng chưa biết, vì chỉ mới là giả thuyết.
“Ở Nam Phi có ổ dịch do biến chủng Delta thì họ làm xét nghiệm lại và phát hiện biến chủng mới Omicron, và họ nghĩ nó lây lan nhanh hơn Delta, nhưng chứng minh chính xác nó lây lan nhanh hơn Delta thì chưa có đủ số liệu. Do đó, chính quyền và lãnh đạo y tế ở các nước phương Tây quan ngại là phù hợp. Việc đầu tiên là nhằm tránh biến chủng này xâm nhập, đồng thời nghiên cứu đầy đủ để có đánh giá và xem cần giải quyết gì trong thời gian tới”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.
Không bất ngờ, nhưng đầy thách thức
Theo TS-BS Trần Tuấn, chuyên gia y tế công cộng, từ giữa năm 2021, các nhà khoa học đã khẳng định khả năng vi rút SARS-CoV-2 đột biến tạo nên biến chủng mới là chắc chắn. Hình thái gây dịch có thể khác đi, thậm chí không loại trừ khả năng lây nhiễm mạnh hơn và mức độ ác tính trên lâm sàng cao hơn, so với diễn biến đã thấy trong thời gian trước đó. Vì thế, biến chủng Omicron được phát hiện không thể nói là bất ngờ. Nhưng kiến thức về Omicron mới chỉ dừng ở kết quả giải trình tự gien. Còn trên thực tế, những thông tin cần thiết nhất có giá trị định hình mức độ lây lan và sự nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng, thì ở thời điểm hiện tại vẫn còn “đang khai phá”.
TS-BS Trần Tuấn cho rằng đây là một thách thức lớn cho xây dựng chiến lược phòng chống biến chủng Omicron, khi 3 câu hỏi cơ bản chưa được trả lời lúc này, mà phải đợi tối thiểu 2 tuần nữa mới có kết quả. Thứ nhất, độ mạnh của khả năng gây nhiễm trong cộng đồng (đo lường bằng chỉ số Re) là bao nhiêu, liệu có vượt biến chủng Delta? Thứ hai, mức độ diễn tiến nặng về mặt lâm sàng ở đối tượng bị nhiễm (đo lường bằng tỷ lệ tử vong/nhiễm) đến đâu, thấp hơn hay cao hơn so với Delta? Thứ ba, các vắc xin hiện hành có giúp ngăn chặn diễn biến nặng hay giảm được nguy cơ lây nhiễm? (đo lường bằng so sánh sự khác biệt về tỷ lệ bệnh nặng hoặc tỷ lệ tử vong do nhiễm Omicron giữa các nhóm đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19).
Theo TS-BS Trần Tuấn, chúng ta không nên lo lắng tới mức sợ hãi, dẫn đến xét nghiệm, cách ly, phong tỏa trên diện rộng. Nhưng chủ quan coi nhẹ, không có kế hoạch dẫn đường bởi khoa học thì sẽ phải trả giá đắt. Đây là bài học rút ra từ làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 4 tại nước ta trong thời gian vừa qua.
Việt Nam đã tiêm gần 119 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 |
Bình tĩnh và 5K
Trước những thông tin chưa đầy đủ để hiểu hết về biến chủng Omicron, PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến nghị cần bình tĩnh và tuân thủ 5K: “Đối với người dân, các biện pháp cổ điển nhưng hiệu quả nhất vẫn là theo thông điệp truyền thông 5K, chưa thể khác hơn, trong đó tiêm vắc xin đầy đủ”.
Đồng quan điểm, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, biến chủng Omicron có thể lây lan hơn chủng Delta, nhưng với Delta mà “xả cửa” thì nó cũng tăng ca nhiễm gấp nhiều lần.
“Chúng ta cũng từng hoảng loạn với biến chủng Delta và Mu. Nhưng chủng lây cỡ nào cũng không chui qua khẩu trang. Song song đó là tiêm ngừa và 5K”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Bình luận (0)