TP.HCM: Hai thai phụ tử vong do sốt xuất huyết

20/06/2022 18:25 GMT+7

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, trong 9 ca tử vong thì đã có 2 ca là phụ nữ mang thai

Ngày 20.6, theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) có thông tin về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19… trên địa bàn TP.HCM.

Dịch bệnh sốt xuất huyết đã khiến 2 thai phụ tử vong

NHẬT THỊNH

Sốt xuất huyết tăng 117%, tay chân miệng và Covid-19 giảm

Theo HCDC, từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM có 16.057 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021 (7.388 ca). Trong đó, số ca bệnh nặng tích lũy là 274 ca và chiếm 1,7% (274/16.057 ca) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (31/7.388 ca). Đến nay, TP.HCM ghi nhận 9 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 2 thai phụ.

Theo HCDC, đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, đây là dịch bệnh lưu hành, số ca mắc gia tăng nhiều vào mùa mưa và đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 9 tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sớm, nhanh từ giữa tháng 4 và đến tuần 24 ghi nhận số ca bệnh đã tương đương với tuần đỉnh dịch của năm 2019. Cũng theo HCDC, không có bất thường mới về chủng lưu hành, chủng đang lưu hành phổ biến nhất hiện nay là DEN-1.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021

Đối với bệnh tay chân miệng, tổng số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay là 6.767 ca, giảm 30% so với cùng kỳ 2021 (9.673 ca). Bệnh cũng có dấu hiệu tăng từ tuần 14, tăng cao ở tuần thứ 17 và đi ngang đến tuần 24. Hiện nay chưa phát hiện chủng EV71 (chủng gây ra các biến chứng nặng).

Đối với các dịch bệnh mới nổi khác trên thế giới như viêm gan cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ em, đậu mùa khỉ… hiện đang theo dõi, chưa phát hiện trường hợp nào tại TP.HCM.

Đối với dịch Covid-19, HCDC nhận định, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ổn định, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày khoảng 25 - 50 ca. Chưa phát hiện các biến thể mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5). Thành phố đang tập trung, tổ chức đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân để duy trì miễn dịch cộng đồng.

Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng

Giải thích về các nguyên nhân dịch sốt xuất huyết tăng, theo HCDC, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cụ thể, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương được kiện toàn nhưng chưa phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên.

Công tác kiểm tra giám sát chưa thực chất và chưa quyết liệt xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Và chưa quản lý hết các điểm nguy cơ trên địa bàn.

Công tác truyền thông chưa phát huy hiệu quả; người dân còn ngại đến các cơ sở y tế để khám bệnh, chữa bệnh khi có triệu chứng sốt xuất huyết, dẫn đến bệnh nặng.

HCDC cho biết, nhóm nguy cơ diễn tiến nặng cần được tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị gồm phụ nữ mang thai, trẻ em bị béo phì.

Nhóm các cơ sở y tế cần được quan tâm trong công tác phát hiện, xử trí gồm các phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân.

Ứng phó của ngành y tế ra sao ?

Bên cạnh tập trung dự phòng, Hội Y học TP.HCM cùng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tổ chức các lớp tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết (cơ bản và nâng cao) và bệnh tay chân miệng đến các bác sĩ và nhân viên y tế tham gia công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tại các bệnh viện trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức và các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả công lập và tư nhân. Tính đến thời điểm hiện nay, có 15 lớp tập huấn với khoảng 3.600 bác sĩ, điều dưỡng tham dự.

Họp tổ chuyên gia Sở Y tế về điều trị sốt xuất huyết để kịp thời đưa ra các hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết. Đồng thời tổ chức họp rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.

Xây dựng hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết trên thai phụ và có kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết ở các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt là hệ thống phòng khám tư nhân.

Đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng (dịch truyền, dung dịch cao phân tử, máu và các chế phẩm của máu..) để kịp thời cho điều trị sốt xuất huyết.

Phòng bệnh sốt xuất huyết:

  • Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.
  • Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến.
  • Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
  • Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
  • Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
  • Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.