TP.HCM luôn cần người tài

06/06/2022 05:49 GMT+7

Người tài là nguồn lực đặc biệt quan trọng để giúp TP.HCM phát triển ở những lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn; vấn đề còn lại là tăng cường kết nối, tìm kiếm và “trải chiếu hoa” mời người tài về.

Thông điệp xuyên suốt này được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (ảnh) chia sẻ với Thanh Niên sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 20/2018 của HĐND TP.HCM về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt (gọi tắt là người tài) giai đoạn 2018 - 2022.

NGỌC DƯƠNG

Việc thu hút người tài có ý nghĩa quan trọng

Chủ trương thu hút người tài vào làm việc trong khu vực công lập của TP.HCM trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định việc thu hút người tài là chủ trương đúng đắn, được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quan tâm, đồng ý cho thực hiện thí điểm một số chính sách đãi ngộ thu hút vào 4 đơn vị (Ban Quản lý (BQL) Khu công nghệ cao, BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán, và Trung tâm Công nghệ sinh học) từ năm 2014.

Sau khi thí điểm, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 04/2018 và tiếp đó là Nghị quyết 20/2018 về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo.

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 17/2019 quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ người tài giai đoạn 2019 - 2022. Nhiều sở, ngành đã đăng ký nhu cầu tìm kiếm chuyên gia ở các lĩnh vực trọng điểm. Điển hình là BQL Khu công nghệ cao TP.HCM đã thu hút được 5 chuyên gia, trong đó đã ký hợp đồng với 1 người, 4 người còn lại do dịch bệnh Covid-19 nên chưa thể sang Việt Nam ký kết hợp đồng và làm việc chính thức.

Việc thu hút người tài có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm của chuyên gia từ nước ngoài; đồng thời phát huy sức mạnh tri thức của TP, bổ sung thêm tri thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau.

Giữa tháng 5.2022, Thanh Niên đăng loạt bài Vì sao khó thu hút người tài?, phản ánh thực tế TP.HCM chỉ thu hút được 1 chuyên gia sau hơn 3 năm triển khai đề án thu hút người tài. Đâu là nguyên nhân của kết quả được đánh giá là khá khiêm tốn đó?

Chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tuy đã được quan tâm, triển khai thực hiện nhưng chưa đạt được tiến độ theo kế hoạch đề ra. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã thu hút được còn hạn chế, và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp.

Có thể kể đến một số nguyên nhân chính như công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được thực hiện thường xuyên và bài bản nhằm thu hút sự quan tâm, khả năng hợp tác của chuyên gia. Công tác kết nối giữa TP.HCM với hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học trong và ngoài nước cùng mạng lưới các hội, hiệp hội chuyên ngành còn hạn chế.

TP.HCM cũng nhận thấy rằng chính sách ưu đãi về thu nhập, dù đã cao hơn nhiều lần so với tiền lương bình quân của công chức, viên chức; nhưng so với khu vực ngoài công lập thì mức ưu đãi này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân chuyên gia ở lại làm việc ổn định, lâu dài. Quy trình, thủ tục mời gọi, tiếp nhận người tài cũng còn nhiều điều phải bàn sâu để có giải pháp thực thi hiệu quả hơn.

TS Hoàng Thế Bân (giữa), Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, thuộc Trung tâm đào tạo - BQL Khu công nghệ cao TP.HCM, là chuyên gia duy nhất TP.HCM thu hút được sau hơn 3 năm triển khai đề án thu hút người tài

SỸ ĐÔNG

Trong thực tiễn triển khai thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị còn thiếu kinh nghiệm và chưa chuẩn bị đầy đủ các giải pháp có hiệu quả nên chưa tạo được sức hút. Ngoài ra, TP.HCM còn phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia, địa phương và tổ chức khác trong thu hút người tài, nhất là khi chuyên gia thường ưu tiên lựa chọn các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức có uy tín tại các quốc gia tiên tiến.

Bài toán đặt ra là phải vừa có cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút, khai thác, trọng dụng đội ngũ hiện có; vừa có chiến lược, cơ chế, chính sách đào tạo mới đội ngũ trí thức ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực và thế giới để đáp ứng nhiệm vụ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Xây dựng chiến lược ngang tầm khu vực

Nhiều chuyên gia kiều bào có hàng chục năm công tác ở các nước tiên tiến chia sẻ rằng, bản thân họ không đặt nặng vấn đề đãi ngộ, nhưng họ ngại tham gia vì thủ tục rườm rà. Ông nhận định gì về chia sẻ này?

Chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt thuộc diện rất đặc thù, tuy số lượng ít nhưng vai trò, vị trí và sức ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức, cộng đồng. TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện các chính sách thu hút người tài, khi chưa có nhiều mô hình hay để tham khảo nên TP tiếp cận theo hướng vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là chính sách lớn, đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện. Do vậy, cơ quan quản lý phải thực sự linh hoạt, chuyên nghiệp và cầu thị để điều chỉnh chính sách phù hợp.

Hiện nhu cầu của các cơ quan, đơn vị rất đa dạng, thay đổi theo yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, các khâu của quy trình thu hút theo hướng cạnh tranh, công khai, minh bạch sẽ đòi hỏi nhiều thời gian cũng khiến nhiều chuyên gia nản lòng. Cũng mong các chuyên gia chia sẻ và thông cảm, bởi quy trình mà TP dày công xây dựng không phải là rào cản mà muốn tạo điều kiện cho nhiều người tài có cơ hội tham gia, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Quá trình thực hiện chính sách, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chưa đủ điều kiện thu hút vì bằng cấp, lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm công tác chưa phù hợp với yêu cầu. Cũng có một số trường hợp không đồng ý với mức thu nhập và chính sách hỗ trợ của TP nên không tham gia.

Xác định thu hút người tài là nhiệm vụ quan trọng, TP.HCM sẽ có những điều chỉnh gì để mời được nhiều người tài về, và tạo môi trường để người tài thể hiện tài năng?

Tôi cho rằng việc thu hút người tài phải gắn kết đồng bộ với phát triển và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trí thức; trong đó chú trọng tính thống nhất, tính đồng bộ và tính khả thi của hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách.

Bài toán đặt ra là phải vừa có cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút, khai thác, trọng dụng đội ngũ hiện có; vừa có chiến lược, cơ chế, chính sách đào tạo mới đội ngũ trí thức ngang tầm với các TP lớn trong khu vực và thế giới để đáp ứng nhiệm vụ.

TP.HCM xác định chất lượng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt thu hút vào làm việc trong hệ thống chính trị là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, lãnh đạo các đơn vị cần có sự quan tâm sâu sát đối với công tác thu hút người tài, gắn với những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với đặc thù từng cơ quan, đơn vị.

Các chính sách phải luôn được điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của trí thức trong từng giai đoạn phát triển. Sau khi tuyển chọn, TP sẽ có chính sách sử dụng hợp lý, tạo không gian kết nối và môi trường chuyên nghiệp để phát huy hiệu quả nguồn chất xám đã thu hút.

Bên cạnh hoàn thiện chính sách tôn vinh, ghi nhận những đóng góp, cống hiến của người tài, lãnh đạo TP.HCM cũng sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe nguyện vọng, tham vấn ý kiến nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách (hoặc đề xuất T.Ư điều chỉnh chính sách) thu hút và đãi ngộ. Đồng thời, TP.HCM kêu gọi các chuyên gia là người VN ở nước ngoài phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hướng về Tổ quốc, quê hương chung tay cùng phát triển TP.HCM.

Thu hút người tài vào các chương trình, đề án trọng điểm

Để có cơ sở duy trì lâu dài và thực hiện có hiệu quả hơn chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi HĐND TP.HCM đề xuất Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thu hút người tài trong giai đoạn tiếp theo sau khi Nghị quyết số 54/2017 hết giai đoạn thí điểm.

Trước mắt, TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, kịp thời thông tin, tổ chức thu hút nhằm đảm bảo nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, đơn vị cũng như các chương trình, dự án, đề án trọng điểm đang tập trung triển khai như: đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, chương trình chuyển đổi số, đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.