TP.HCM lưu ý các điểm dưới đây khi điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động

17/06/2022 14:54 GMT+7

Ngoài việc điều chỉnh lương tối thiểu, doanh nghiệp không được hạ bậc lương đang hưởng của người lao động và vẫn phải đảm bảo thực hiện quy chế xét nâng lương định kỳ đã được thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể.

Ngày 17.6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM có văn bản gửi LĐLĐ các quận, huyện và TP.Thủ Đức; công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương; các công đoàn cơ sở trực thuộc về việc hướng dẫn, giám sát điều chỉnh lương tối thiểu năm 2022.

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định 38 ngày 12.6.2022, điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng, tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1.7.2022.

Tại TP.HCM, vùng I (bao gồm các quận, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè), mức lương tối thiểu tháng là 4,68 triệu đồng/tháng; mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng/giờ.

Vùng II (H.Cần Giờ) có mức lương tối thiểu tháng là 4,16 triệu đồng/tháng; mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng/giờ.

LĐLĐ TP.HCM đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở lưu ý phối hợp với cơ quan quản lý lao động cùng cấp tiến hành tập huấn cho công đoàn cơ sở về nội dung, phương pháp điều chỉnh lương tối thiểu vùng để có sự thống nhất.

LĐLĐ TP.HCM cũng đề nghị lưu ý các khoản ở Điều 4, Nghị định 38 về áp dụng mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo được điều chỉnh từ ngày 1.7.2022

NGỌC DƯƠNG

Khi tiến hành điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động, doanh nghiệp không được cắt giảm các chế độ đã được pháp luật quy định. Đối với các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng... do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Ngoài việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, doanh nghiệp không được hạ bậc lương đang hưởng của người lao động và vẫn phải đảm bảo thực hiện quy chế xét nâng lương định kỳ đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Đồng thời, sau khi công đoàn cơ sở thống nhất với doanh nghiệp về mức điều chỉnh lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ theo vùng thì công khai cho người lao động biết và phối hợp với doanh nghiệp điều chỉnh lại tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp.

LĐLĐ TP.HCM cũng yêu cầu tổ chức giám sát việc điều chỉnh lương cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác của doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng, không đầy đủ; không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể.

Liên quan việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, những ngày qua, người lao động lo lắng việc Nghị định 38 không đề cập về mức trả cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề (trong khi mức lương tối thiểu tăng 6%).

Thanh Niên đã có bài ghi nhận việc ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP.Thủ Đức) có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH liên quan điều chỉnh mức lương tối thiểu. Đồng thời, một lãnh đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đã có trao đổi, kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH xem xét để giải thích, có văn bản hướng dẫn cụ thể Nghị định 38, đảm bảo quyền lợi người lao động và tránh hiểu nhầm các quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.