Tình trạng trẻ sốt, ho nên ăn kém, thiếu ngủ, sụt cân làm nhiều phụ huynh sốt ruột, bất an trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng. Nhiều phụ huynh phải đưa trẻ đi bệnh viện.
Đông người đăng ký khám bệnh cho con em tại Bệnh viện Nhi đồng 2 |
TRẦN DUY KHÁNH |
Ngày 7.7, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Q.1, TP.HCM), chúng tôi gặp chị N.D.P (34 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bồng con nhỏ tên K., đứng cùng nhiều phụ huynh khác, chờ nhận số khám bệnh.
Chị P. cho biết, cha bé K. vừa đi công tác vài ngày thì bé đổ bệnh, chị đóng cửa quán cà phê nhiều ngày để chăm sóc con. “Ngày đầu bé hay khóc và ho nhẹ, tôi cứ nghĩ là do ảnh hưởng từ máy lạnh nên bé bị cảm. Nhưng đến khuya, bé bắt đầu sổ mũi rồi nóng sốt, trở mình. Từ hôm bé bệnh đến nay, tôi không thể nào ngủ được, cứ chốc chốc lại giật mình, lo cho con”.
Trong khi đó, vợ chồng anh N.N.Đ (TP.Thủ Đức) xin nghỉ phép vài ngày để ở nhà lo cho con gái 5 tuổi có biểu hiện ho, sốt, đau nhức. Anh Đ. và vợ cùng làm công nhân tại một xưởng may trên địa bàn TP.Thủ Đức. Cùng nghỉ phép đồng nghĩa với việc vợ chồng anh Đ. sẽ phải làm bù hoặc tăng ca sau khi kỳ hạn nghỉ phép kết thúc để kịp tiến độ công việc.
“Bé ho, chảy nước mũi nửa ngày thì bắt đầu sốt, kêu ba ơi con đau họng. Vợ chồng tôi tức tốc chở con đi khám, lo quá, không biết con bị bệnh gì”, anh Đ. lo lắng.
Vừa bước ra khỏi nhà xe Bệnh viện Nhi đồng 1 (Q.10, TP.HCM), một cặp vợ chồng trẻ to tiếng với nhau, nét mặt hiện rõ sự mệt mỏi, sốt ruột về tình trạng sức khỏe của bé trai khoảng 3 tuổi đang được người chồng bế trên tay.
Người chồng cho biết, không rõ bé bị bệnh gì, cứ quấy khóc, có triệu chứng sổ mũi, ho, lên cơn nóng sốt thất thường, nên vợ chồng anh chở bé đi khám.
Trẻ mắc cúm mùa, nhưng không chủ quan
Chiều 7.7, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết nhiều trẻ em ở TP.HCM vào viện cùng triệu chứng sốt, ho, đau họng, sổ mũi, đau nhức...
BS Khanh khuyên các phụ huynh có con em bị bệnh cần bình tĩnh vì đây là bệnh cúm thông thường, xảy ra hằng năm. Tuy vậy, người lớn cũng không được chủ quan vì nếu trẻ không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gây ra biến chứng khó lường.
Theo BS Khanh, cả nước đang bắt đầu vào mùa dịch cúm A: “Ở miền Nam, bệnh này xảy ra quanh năm, ở miền Bắc thì xảy ra vào mùa lạnh. Tuy nhiên, đợt này do thời tiết thất thường... nên bệnh xảy ra sớm”.
Mệt mỏi tạm ngả lưng chờ đến lượt khám bệnh cho con |
TRẦN DUY KHÁNH |
BS Khanh chỉ ra, trẻ em khi mắc bệnh sẽ có các triệu chứng nóng, ho, đau nhức mình, sổ mũi: “Thường thì các triệu chứng sẽ tự ổn định từ 3 - 5 ngày, phụ huynh đừng quá lo. Sau khi mắc bệnh, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch”.
BS Khanh nêu những dấu hiệu để nhận biết bệnh trở nặng. Theo đó, cần quan sát cách trẻ thở, nếu trẻ thở nhanh, thở mệt, phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được BS can thiệp. Lưu ý, với trẻ có bệnh nền như suyễn, phụ huynh nên theo dõi kỹ để kịp thời điều trị. Đặc biệt, với trẻ dưới 2 tuổi, có thể gây ra biến chứng viêm phổi, vì vậy phụ huynh phải hết sức thận trọng, không được chủ quan.
Để phòng ngừa cúm A gây các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, đau nhức ở trẻ, BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo phụ huynh nên tiêm ngừa cho trẻ, tập cho trẻ thói quen mang khẩu trang khi ra đường, rửa tay thường xuyên và cho trẻ chế độ ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ để tăng cường sức đề kháng...
Bình luận (0)