TP.HCM: Số đề nghị nhận hỗ trợ tiền thuê nhà còn rất nhỏ, tiến độ rất chậm

31/05/2022 15:42 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trải lòng tại buổi đối thoại với doanh nghiệp . Ông Lâm đánh giá con số đề nghị nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 đến nay còn rất nhỏ; tiến độ thực hiện rất chậm.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tại TP.HCM, dự kiến có hơn 1,1 triệu người lao động thụ hưởng với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỉ đồng.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, số liệu tính đến ngày 30.5, tổng số công ty, doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ và được cơ quan BHXH xác nhận là 3.854 đơn vị với 53.976 lao động.

Đồng thời, số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tính đến ngày 27.5, ngành LĐ-TB-XH TP.HCM đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của 1.454 đơn vị với 15.427 người lao động. Trong đó, có 14.961 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và 466 người lao động quay trở lại thị trường lao động. Đến nay, chưa có người lao động nào nhận được tiền hỗ trợ.

Như thế, TP.HCM chỉ mới có gần 5% người lao động được xác nhận BHXH và khoảng 1,4% người lao động thuộc diện thụ hưởng đã được gửi danh sách về các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Doanh nghiệp cần tích cực, mạnh dạn nộp hồ sơ

Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền TP.HCM sáng nay (31.5) do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP.Thủ Đức) nêu vướng mắc của đơn vị.

Theo ông Hồng, phía công ty chưa dám nộp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ cho cơ quan BHXH xác nhận vì vẫn còn e ngại công tác hậu kiểm. Cụ thể quy định doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trung thực về kê khai của công nhân, vì vậy, đối với những doanh nghiệp đông lao động, sẽ khó khăn khi không đủ nhân sự kiểm tra công nhân có khai đúng hay không. Nếu công nhân khai sai, ai chịu trách nhiệm?

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chia sẻ thẳng thắn với doanh nghiệp. Theo ông Lâm, tới nay, con số đề nghị nhận hỗ trợ theo Quyết định 08 trên địa bàn còn rất nhỏ; tiến độ thực hiện còn rất chậm.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp

phạm thu ngân

Qua ghi nhận, hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu gặp hai khó khăn. Thứ nhất, đối với doanh nghiệp đông lao động thì lo sợ cập nhật danh sách không kịp, bị trễ tiến độ. Về vấn đề này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có hướng dẫn, trao đổi cụ thể.

Thứ hai, khó khăn ở việc xác nhận của chủ nhà trọ. "Tôi kêu gọi chủ nhà trọ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đang ở trọ của mình, để họ tiếp cận chính sách, giảm bớt khó khăn, góp phần ổn định sản xuất, phục hồi kinh tế", ông Lâm nói.

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá, khi nghe thông tin về chính sách, có những doanh nghiệp rất tích cực, chuẩn bị sẵn danh sách và đợi TP.HCM triển khai là mang qua BHXH xác nhận ngay. Đây là động thái rất đáng hoan nghênh.

"Ai cũng hiểu nguồn lực, tài sản quý giá nhất ở doanh nghiệp, ngoài thương hiệu, uy tín là lực lượng người lao động. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ rất tốt với chính quyền TP.HCM. Chính từ những chỗ đó, Chính phủ xem coi cái gì có thể hỗ trợ những gì cho doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp chăm lo tốt hơn cho người lao động, phục hồi nền kinh tế. Và chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà là chính sách gần nhất, nhân văn, có quy trình được rút ngắn đáng kể", ông Lâm nói.

"Phía doanh nghiệp còn có khoảng thời gian niêm yết danh sách trong 3 ngày tại nơi làm việc để giải quyết những khiếu nại nếu có. Có nghĩa, nhà nước tin tưởng vào doanh nghiệp, tin người lao động, tin tính chính xác, trung thực của người khai. Số tiền của TP.HCM trong dự toán lần này thực hiện không phải là nhỏ. Trong khi đó, mình quản lý có vài ngàn công nhân mà sợ sót lọt thì cả TP.HCM này hơn 1,1 triệu người lao động thụ hưởng, ai chịu trách nhiệm? Chúng ta vẫn phải thực hiện. Doanh nghiệp đừng đặt vấn đề công nhân đông quá doanh nghiệp làm sao cho kịp".

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chia sẻ thêm: "Tôi kêu gọi tất cả người sử dụng lao động, hệ thống công đoàn ở các doanh nghiệp phải nhanh chóng tích cực, mạnh dạn triển khai. Cần nhìn vào tính tích cực vấn đề của xã hội dù có thể đi kèm sẽ có việc nhỏ nhặt, tiêu cực, nhưng chúng ta sẽ có cách khắc phục. Tôi đề nghị Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam về bàn ngay với phía chủ doanh nghiệp. Còn khó khăn, tôi xin mời lên Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để phối hợp, cùng xử lý vấn đề".

Liên quan đến công tác hậu kiểm chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất với UBND TP.HCM tổ chức các đoàn, trong đó có đại diện Sở Tài chính, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu dân cư, tổ chức công đoàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM... cùng tham gia để giám sát việc chi trả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.