Mới đây, thông tin từ Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM cho biết, đơn vị có báo cáo UBND TP.HCM kết quả khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.
Khảo sát bổ sung sau 10 tháng, TP.HCM tăng thêm 4.118 hộ nghèo, cận nghèo
Theo đó, tại thời điểm ngày 1.1.2021, TP.HCM có 53.901 hộ nghèo, cận nghèo với 212.098 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 2,13%/tổng hộ dân TP.HCM). Trong đó, hộ nghèo là 34.953 hộ (với 138.124 nhân khẩu) và hộ cận nghèo là 18.948 hộ (với 73.974 nhân khẩu).
TP.HCM tăng thêm 4.118 hộ nghèo, hộ cận nghèo (với 15.645 nhân khẩu) sau 10 tháng năm 2021 |
phạm thu ngân |
Sau đó, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM đã khảo sát lập danh sách bổ sung hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch của UBND TP.HCM, đặc biệt, tránh trường hợp bỏ sót hộ gia đình gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua mà có khả năng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tại thời điểm khảo sát bổ sung ngày 1.10.2021, TP.HCM có thêm 4.118 hộ nghèo, cận nghèo với 15.645 nhân khẩu. Trong đó, tăng thêm 2.819 hộ nghèo (với 10.639 nhân khẩu) và 1.299 hộ cận nghèo (với 5.006 nhân khẩu).
Như thế, tổng số hộ nghèo, cận nghèo TP.HCM đầu giai đoạn 2021 - 2025 (từ tháng 1 - 10.2021) là 58.019 hộ với 227.743 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 2,29%/tổng hộ dân TP.HCM).
Gần 27.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo làm tại cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức
Với tổng số hộ nghèo, cận nghèo trên, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM cũng phân loại theo các diện.
Cụ thể, có 449 hộ nghèo, cận nghèo (477 nhân khẩu) thuộc diện chính sách ưu đãi người có công; 7.148 hộ (8.154 nhân khẩu) hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
Đáng quan tâm, có gần 27.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang làm việc, tham gia tại cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức.
Cụ thể, có hơn 5.400 cán bộ/công chức, viên chức, người lao động; hơn 21.500 người là đảng viên, thành viên của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Hộ nghèo, cận nghèo TP.HCM thiếu hụt nhiều nhất ở chiều y tế, việc làm
Theo Quyết định 995 của UBND về quy định chuẩn nghèo đa chiều TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 có 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt. Cụ thể 5 chiều gồm chiều y tế (chỉ số thiếu hụt về dinh dưỡng và bảo hiểm y tế); chiều giáo dục và đào tạo (chỉ số trình độ giáo dục - đào tạo của người lớn trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi và tình trạng đi học của trẻ em); chiều việc làm - bảo hiểm xã hội (chỉ số thiếu hụt về tiếp cận việc làm và bảo hiểm xã hội); chiều điều kiện sống (chỉ số thiếu hụt về nhà ở và nguồn nước sinh hoạt an toàn); chiều thu nhập (chỉ số thiếu hụt về thu nhập và người phụ thuộc).
Hộ nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên hoặc có 2 chỉ số thiếu hụt về thu nhập và người phụ thuộc.
Còn hộ cận nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng - 46 triệu đồng/người/năm.
Qua thống kê giai đoạn 10 tháng đầu năm 2021 cho thấy, có 76% hộ nghèo (gần 29.000 hộ) và 55% hộ cận nghèo (hơn 11.000 hộ) thiếu hụt chiều tiếp y tế mà chủ yếu là thiếu hụt về bảo hiểm y tế. Đồng thời, 89% hộ nghèo (hơn 30.000 hộ) và hơn 86% hộ cận nghèo (hơn 17.500 hộ) thiếu hụt chiều việc làm - bảo hiểm xã hội.
Bình luận (0)