Trước đó, ngày 14.4, buổi tái giám sát này bị hủy do lãnh đạo 2 sở Tài chính và Y tế TP.HCM không có mặt sau 30 phút bắt đầu lịch làm việc.
Loại khoảng 5.000 trường hợp
Tại buổi tái giám sát, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), báo cáo đối với Nghị quyết 09/2021 của HĐND, TP.HCM đã hỗ trợ giải quyết cho hơn 1 triệu người lao động tự do với tổng số tiền hơn 1.840 tỉ đồng; hỗ trợ hơn 129.000 lao động ngừng việc, hoãn việc; hỗ trợ hơn 21.630 điểm kinh doanh của thương nhân tại các chợ truyền thống...
Buổi tái giám sát về phòng, chống dịch và công tác hỗ trợ Covid-19 đối với các sở LĐ-TB-XH, Y tế và Tài chính TP.HCM ngày 18.4 |
P.T.N |
Riêng gói hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97/2021, TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người với hơn 6.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 13.4.2022, vẫn còn 3 quận, huyện chưa hoàn tất chi hỗ trợ gói đợt 3, gồm: H.Củ Chi (có tỷ lệ chi trả đạt 76%), Q.Bình Tân (có tỷ lệ chi trả đạt 56%), H.Bình Chánh (có tỷ lệ chi trả đạt 41%) do thiếu kinh phí.
Do đó Sở LĐ-TB-XH đề nghị Sở Tài chính nhanh chóng tham mưu UBND TP.HCM bổ sung nguồn kinh phí để tiếp tục chi hỗ trợ Covid-19 và hoàn trả cho các quận, huyện và TP.Thủ Đức bởi các địa phương đã tạm ứng các nguồn khác để thực hiện.
Đại diện UBND Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh cũng đề xuất TP.HCM quan tâm bổ sung kinh phí để hoàn thiện công tác chi trả các gói hỗ trợ. Đơn cử, đại diện UBND H.Bình Chánh cho biết ở gói đợt 3 địa phương đã rà soát, thẩm định lại và loại ra khoảng 5.000 trường hợp do trùng lắp, không đúng đối tượng.
UBND huyện cần bổ sung hơn 466 tỉ đồng để chi hỗ trợ.
Rà soát lại đối tượng thụ hưởng
Bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cũng chia sẻ tổng nhu cầu kinh phí chi phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn theo báo cáo của các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức xây dựng và gửi lên là trên 32.000 tỉ đồng. Khoản kinh phí còn thiếu là trên 14.000 tỉ đồng. Sở Tài chính đang phối hợp Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị rà soát lại, xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng chính sách Covid-19. báo cáo UBND TP.HCM xem xét, giải quyết nguồn kinh phí thực hiện.
Phát biểu kết luận, trưởng đoàn tái giám sát Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nhấn mạnh buổi làm việc này lẽ ra được tổ chức ngày 14.4, nhưng do không đầy đủ thành phần, không có lãnh đạo sở có mặt nên buộc phải hủy. Đến nay, khi tổ chức lại buổi tái giám sát thì hiệu quả rõ rệt, các sở ngành, địa phương cũng có quan điểm rõ ràng, có phương án, hướng ra. Các địa phương cần cố gắng nhanh chóng rà soát các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19, nếu không đúng thì phải mạnh dạn thu hồi, xử lý. Sau đó, Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế kịp thời tham mưu hoặc tham mưu liên tịch cho UBND TP.HCM để có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Đề nghị hỗ trợ các tình nguyện viên chống dịch chưa có chuyên môn
Liên quan chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 12/2021 và các công văn hướng dẫn triển khai, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay các đơn vị đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 108.000 người với số tiền 476 tỉ đồng. Có khoảng 4,2% người chưa nhận hỗ trợ vì một số nhân viên y tế mới được điều động, đến luân phiên cho lực lượng y tế; đang rà soát, bổ sung quyết định điều động; đang làm thủ tục giải ngân.
Qua nắm bắt một số vấn đề tồn tại trong việc chi hỗ trợ từ các địa phương, Sở Y tế đề nghị hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên không có chuyên môn y tế (chưa được quy định tại Nghị quyết 12) được hưởng như mức của sinh viên y khoa (1,5 triệu đồng/người) do thực tế lực lượng này đã đóng góp rất nhiều công sức cho công tác phòng chống dịch. Trưởng đoàn Cao Thanh Bình cũng yêu cầu Sở Y tế khẩn trương thống kê số lượng lực lượng gián tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19 còn sót để tham mưu cho lãnh đạo TP.HCM nhằm có hướng giải quyết.
Bình luận (0)