TP.HCM thiếu giáo viên nghệ thuật nhưng vì sao sinh viên ra trường không chịu đi dạy?

06/04/2022 19:05 GMT+7

TP.HCM đang thiếu giáo viên khá trầm trọng ở một số môn học. Nguyên nhân do đâu và TP.HCM có giải pháp nào trước sự thiếu hụt này?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc

H.A

Thông tin TP.HCM thiếu giáo viên trầm trọng một số môn học được nêu ra trong buổi làm việc của Sở GD-ĐT TP.HCM tại Trường ĐH Sài Gòn liên quan đến chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2027, diễn ra chiều nay (6.4).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ năm 2018 TP.HCM đã đặt hàng Trường ĐH Sài Gòn đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu của thành phố đòi hỏi cao hơn chứ không chỉ đáp ứng yêu cầu của GD-ĐT.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu một số bộ môn hiện chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu. Ví dụ, các môn nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc THPT cần có 2 tiết/ tuần nhưng hiện không có giáo viên. Hiện chỉ có bậc THCS dạy nhạc họa còn bậc THPT hầu như không có. Trong khi đó, số lượng học sinh mong muốn được học môn học này không phải ít. Vì vậy, theo Giám đốc Sở GD-ĐT, cần phải nghiên cứu cơ chế đặt hàng đào tạo để có lực lượng tham gia dạy học thời gian tới ở bậc THPT.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: “Cần phải có giáo viên để học sinh được tự chọn môn học theo nhu cầu. Hiện nay học sinh đang chọn theo những gì trường có, giống như ăn buffet chỉ được chọn 1 trong 2 môn chứ không có lựa chọn khác”. Ông Hiếu cho rằng, ở thành phố lớn như TP.HCM, các trường phổ thông cần xây dựng cho học sinh được phát triển năng khiếu, có phẩm chất năng lực toàn diện. “Phải dạy những gì học sinh muốn, học sinh thích chứ không chỉ dạy những chúng ta có”, Giám đốc Sở nhấn mạnh.

Sở GD-ĐT TP.HCM ký kết chương trình hợp tác toàn diện với Trường ĐH Sài Gòn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên 5 năm tới

HÀ ÁNH

TP.HCM thiếu giáo viên những môn nào?

Cũng tại hội nghị, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết giáo viên dạy ngoại ngữ trong các cơ sở mầm non hiện nay rất đa dạng. Tuy nhiên, các giáo viên này phần lớn chỉ có văn bằng, chứng chỉ dạy tiếng Anh nhưng chưa có được nghiệp vụ quản lý trẻ. Việc có các chứng chỉ ngắn hạn với các giáo viên này là rất cần cho giáo dục mầm non để giáo viên tiếng Anh hiểu rõ được phương pháp sư phạm ở bậc học này.

Cũng ở bậc mầm non này, theo bà Hồng Điệp, một số nhóm công việc cũng cần được đào tạo bồi dưỡng thêm như: tổ trưởng chuyên môn trong nhóm lớp tư thục, đội ngũ cấp dưỡng. Đặc biệt, theo bà Điệp, việc bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho các giáo viên lên làm quản lý cũng cần thiết để họ làm đúng chức năng nhiệm vụ, tránh tình trạng gặp khó khăn trong công tác tài chính hoặc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho hiệu quả.

Ở bậc tiểu học, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng thông tin hiện các môn tiếng Anh, mỹ thuật và âm nhạc đang thiếu giáo viên khá trầm trọng. Bà Thúy đề nghị, Trường ĐH Sài Gòn có thể tăng chỉ tiêu các ngành này để cung ứng nhân lực cho giáo viên bậc THCS và THPT.

Đề xuất tuyển giáo viên liên trường

PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cũng chia sẻ những khó khăn trong tuyển sinh và việc làm của sinh viên một số ngành sư phạm. Ông Quân nói: “Hiện nay cả thành phố chỉ có Trường ĐH Sài Gòn đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật nhưng tuyển sinh rất khó, chưa năm nào đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, ngành sư phạm âm nhạc tuyển sinh được nhưng sinh viên ra trường không đi dạy mà… đi hát phòng trà. Tương tự, giáo viên ngành tiếng Anh ra trường không đi dạy, nếu có thì dạy cho các trung tâm ngoại ngữ do thu nhập cao hơn”.

Từ thực tế trên, ông Quân kiến nghị với Sở GD-ĐT TP.HCM: “Nên chăng không tuyển giáo viên dạy môn mỹ thuật cho 1 trường mà tuyển cho nhiều trường. Trong bối cảnh này, việc tuyển giáo viên liên trường có thể là giải pháp trước mắt”. Trước đề xuất này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc tuyển giáo viên cho một khu vực thay vì từng trường riêng lẻ những môn đang thiếu cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra còn nằm ở chỗ, dù giáo viên dạy nhiều trường nhưng vẫn phải có nơi làm việc và trả lương, việc này cần tính toán thêm.

Trước thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc thiếu giáo viên dạy môn tin học, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết sẽ tuyển sinh ngành mới sư phạm tin học trong thời gian tới. Tuy nhiên ông Quân cho biết vẫn lo ngại tình trạng xảy ra với ngành sư phạm tiếng Anh, đào tạo nhưng sinh viên ra trường không đi dạy mà chuyển qua làm công việc khác.

Cũng trong buổi làm việc, Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2027. Chương trình này gồm nhiều nội dung liên quan đến việc đặt hàng trường ĐH này trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho thành phố. Đặc biệt là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn tin học và công nghệ, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.