TP.HCM thống nhất chi 24.000 tỉ đồng làm đường vành đai 3

08/04/2022 06:56 GMT+7

Chiều 7.4, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Đường vành đai 3 hướng đến giải quyết nhu cầu giao thông kết nối các đô thị vệ tinh và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo đột phá về hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Sơ lược thông tin hệ thống đường vành đai TP.HCM

Ngọc Dương/Đồ họa: Hồng Sơn

Tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỉ đồng

Dự án đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách TP.HCM bố trí hơn 24.000 tỉ đồng.

Để thực hiện dự án, các địa phương cần thu hồi hơn 642 ha đất, trong đó đoạn qua TP.HCM (gồm TP.Thủ Đức và 3 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) gần 409 ha, ảnh hưởng đến 2.377 hộ dân. Tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư gần 41.600 tỉ đồng; đơn giá đất và tài sản trên đất được áp dụng tại thời điểm năm 2022.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2025. Về mức hỗ trợ cụ thể, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế nhận 60 triệu đồng trong 18 tháng; điều dưỡng và hộ sinh nhận 30 triệu đồng trong 9 tháng. Nhân viên y tế về hưu có chuyên môn bác sĩ tham gia các trạm y tế hưởng lương 9 triệu đồng/tháng; người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế là 5,5 triệu đồng/tháng.

Theo kế hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý 3/2022, hoàn thành vào quý 2/2024; dự kiến khởi công trong quý 4/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. HĐND TP.HCM yêu cầu sau khi thu hồi đất, cần quan tâm đảm bảo cuộc sống người dân sau tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân. Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM cũng thống nhất chuyển gần 17 ha đất rừng ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) sang đất giao thông để triển khai dự án.

Đề xuất 4 cơ chế đặc thù

Trao đổi với Thanh Niên sau khi HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng cho biết sắp tới còn rất nhiều việc phải làm.

Trước mắt sẽ tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội (QH) xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp tháng 5.2022.

Nói về tính chất quan trọng của dự án, ông Bằng so sánh tổng giá trị dự án vành đai 3 đoạn qua TP.HCM khoảng 48.000 tỉ đồng là tương đương với tổng mức đầu tư trung hạn (2021 - 2025) các công trình hạ tầng đô thị của TP.HCM. Do vậy, nếu không quyết liệt thực hiện thì tiến độ sẽ bị ảnh hưởng, giảm hiệu quả đầu tư.

2 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền thuế

Chiều 7.4, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM, các cơ quan của TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp, tình hình kinh tế xã hội quý 1 để giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

Về đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết Công ty Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá 2 lô đất thuộc khu chức năng số 3, nhưng đến nay đều chưa nộp tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan thuế vào ngân sách nhà nước. Sáng 7.4, Cục Thuế TP.HCM nhận được văn bản của 2 doanh nghiệp này đề nghị cho phân kỳ nộp tiền sử dụng đất thành 6 đợt, từ tháng 4 - 9.2022.

“Các lý do, khó khăn mà doanh nghiệp nêu đều không thuộc danh mục được gia hạn nộp thuế của ngành thuế. Do vậy, Cục Thuế TP.HCM sẽ tiếp tục tính tiền chậm nộp và ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định quản lý thuế”, bà Hạnh nói.

Xác định khâu giải phóng mặt bằng là “rất quan trọng”, ông Bằng cho biết Sở GTVT sẽ kiến nghị Thành ủy và UBND TP.HCM thành lập ban chỉ đạo về giải phóng mặt bằng và tổ điều phối dự án. Hiện Sở TN-MT đang tích cực rà soát diện tích từng loại đất, ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ dân, chuẩn bị quỹ nhà tái định cư.

Cũng theo ông Bằng, UBND TP.HCM và các tỉnh thống nhất đề xuất 4 cơ chế chính sách đặc thù trình QH xem xét, cho phép áp dụng đối với dự án. Về nguồn vốn đầu tư, các địa phương kiến nghị bố trí nguồn vốn T.Ư theo tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An; phần còn lại là ngân sách địa phương. Đồng thời, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Qua rà soát của Sở QH-KT, Sở TN-MT TP.HCM, quỹ đất dọc tuyến vành đai 3 dự kiến có thể khai thác là 2.400 ha. Bên cạnh đó, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương đề xuất chia thành 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án xây lắp và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các địa phương kiến nghị QH cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu: tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, xây lắp để thực hiện dự án; trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Ông Bằng cho biết vật liệu xây dựng công trình là một trong những vướng mắc của nhiều dự án trước đây nên các địa phương thống nhất kiến nghị QH cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.