Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hội thảo quy tụ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư quốc tế và doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cần thiết cho sự hình thành “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” tại TP.HCM. Trong đó, tập trung những giải pháp chuyển đổi công nghệ sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị tại các nhà máy của công ty sản xuất công nghiệp của VN theo hướng áp dụng công nghệ cao, đáp ứng linh hoạt các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian qua, TP.HCM đặc biệt chú trọng kết nối giao thương, phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ |
Đình Phú |
Đảm bảo tính kết nối cung - cầu hiệu quả
Theo TS Huỳnh Thanh Điền (Trường đại học Nguyễn Tất Thành), TP.HCM không phù hợp cho các ngành thâm dụng lao động nên cần tập trung phát triển các công đoạn mấu chốt của chuỗi giá trị ngành, những công đoạn sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các công đoạn khác.
Việc quy hoạch khu/cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia, cần xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất ở các ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường. Các cơ chế chính sách trọng tâm vào hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành hoạt động trong tất cả các khâu đầu tư nghiên cứu, thiết kế, cung ứng sản phẩm phụ trợ, phân phối.
Gợi mở về định hướng hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao TP.HCM, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng cần phát triển theo nguyên tắc: Đảm bảo tính kết nối cung cầu hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu - cuối và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, lan tỏa công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; đảm bảo tính liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong khu/cụm với các doanh nghiệp bên ngoài và liên kết với các doanh nghiệp khác với các vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Cùng với đó là định hướng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên, hỗ trợ cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư trong khu/cụm…
Cân bằng lợi ích các bên liên quan
Gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển đô thị với vai trò tư vấn quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, quản lý cấp cao của doanh nghiệp, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty KIZUNA - Khu nhà xưởng dịch vụ KIZUNA chia sẻ nhiều giải pháp về mục tiêu chiến lược chung; quá trình nghiên cứu đề án, mô hình hoạt động, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư… để có thể tính toán đầu tư hiệu quả, phát triển thành công khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế TP.HCM bền vững và cân bằng lợi ích các bên liên quan.
Về quá trình tiếp nhận đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp, theo bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp luôn được duy trì đồng bộ, sẵn sàng; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia dịch vụ khách hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và thành công (nhân sự, tài chính, kế toán, bảo trì nhà xưởng, môi trường, PCCC…); tiếp nhận và hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng nhà máy/nhận nhà xưởng… đưa vào sản xuất; xây dựng các chương trình kết nối giao thương, hỗ trợ truyền thông thương hiệu… giúp các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuận lợi…
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, kiến tạo được thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp, thì ngành công nghiệp hỗ trợ mới có nền tảng phát triển. Cần thông tin, truyền thông rộng rãi, khuyến khích đầu tư, có cơ chế thẩm định, phê duyệt dự án đơn giản tạo tâm lý cho doanh nghiệp quyết tâm hơn trong đầu tư, hỗ trợ một phần lãi vay và thời gian hỗ trợ dài hơn do đầu tư máy móc hiện đại…
Bình luận (0)