TP.HCM tính chuyển buýt nhanh thành buýt xanh với đường ưu tiên

27/12/2021 10:06 GMT+7

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đề xuất không ngưng dự án buýt nhanh BRT mà chuyển sang làm tuyến buýt xanh chất lượng cao.

Đề xuất đã được Ban Giao thông gửi văn bản trình UBND TP.HCM sau khi thống nhất phương án với Sở GTVT.

Dự án xây dựng tuyến buýt nhanh số 1 của TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt ngày 19.11.2013 với thời gian thực hiện dự kiến là 5 năm (2014 - 2019)

Theo đánh giá của Ban Giao thông, việc hình thành một trục giao thông công cộng khối lượng lớn nối liền phía đông và phía tây thành phố (huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức) là một nhu cầu thực tế, cần phải thực hiện ngay trong giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân miền Tây đến TP.Thủ Đức và sân bay Long Thành (và ngược lại).

Tuy nhiên theo tính toán của Sở GTVT, còn một số nội dung có ảnh hưởng lớn đến việc khai thác tuyến buýt nhanh BRT số 1 và chưa đảm bảo được tính hiệu quả khi đưa dự án vào hoạt động.

Mặt khác, nếu thành phố quyết định tạm thời hoãn thực hiện dự án như đề xuất của Sở GTVT thì Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hủy dự án, nguồn vốn IDA và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) sẽ chấm dứt. TP.HCM sẽ đứng trước nguy cơ mất hơn 130 triệu USD vốn viện trợ, chưa tính đến việc gây chậm trễ tới tiến độ phát triển hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Do đó, Ban Giao thông kiến nghị tiếp tục triển khai dự án ngay trong năm 2022 nhằm tranh thủ nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) theo phương án điều chỉnh.

Cụ thể, chưa thực hiện ngay loại hình tuyến BRT như trong dự án trước đây mà sẽ thay bằng loại hình “tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên". Với việc chuyển đổi mô hình này, TP.HCM sẽ giảm đầu tư mua sắm đội xe và 1 số công trình hạ tầng phục vụ đội xe theo phương án BRT lúc đầu.

Bên cạnh đó, tạm dừng việc đầu tư xây dựng mới trên đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ cho đến khi đạt được lượng hành khách theo công suất thiết kế, chỉ đầu tư xây dựng 2 cầu vượt tại các trạm dừng số 27, 28 trên Xa lộ Hà Nội và sửa chữa cầu bộ hành hiện hữu trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Trong thời gian đầu, hành khách sẽ sử dụng xe buýt gom và các lối đi bộ có đèn tín hiệu để tiếp cận trạm dừng.

Như vậy, tuyến BRT số 1 sau khi rà soát, cập nhật, điều chỉnh tiết giảm sẽ trở thành "hành lang giao thông công cộng, ưu tiên xe buýt với tuyến xe buýt xanh chất lượng cao". Tuyến xe buýt này được phát triển thành mạng lưới và sử dụng nguồn vốn tiết giảm được qua quá trình rà soát, phân kỳ đầu tư để đầu tư xây dựng một số hạng mục, công việc... cho hệ thống giao thông công cộng toàn thành phố.

Đặc biệt, trên hành lang này, các tuyến buýt xanh chất lượng cao sẽ được ưu tiên về hạ tầng và tổ chức giao thông để đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, an toàn, thoải mái và nâng cao chất lượng của dịch vụ xe buýt để phục vụ người dân TP.HCM.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM có mục tiêu chính là xây dựng và đưa vào phục vụ người dân TP tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 với chiều dài 26 km (từ vòng xoay An Lạc đến nhà ga Rạch Chiếc) và kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành và Bến xe Chợ Lớn.

Sau nhiều lần trì hoãn, dự kiến ngày 31.12.2023, tuyến BRT số 1 sẽ chính thức được đưa vào phục vụ người dân.

Thế nhưng, ngay trước thềm đấu thầu, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị tạm thời hoãn thực hiện dự án xe buýt nhanh số 1 do còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả, tính khả thi của dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.