Theo dự thảo Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, TP.HCM dự kiến bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi Bộ Y tế tập huấn an toàn tiêm chủng. TP.HCM phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.2022.
Dự kiến số lượng là khoảng 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học (do Sở GD-ĐT cung cấp) và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học (do LĐ-TB-XH cung cấp).
Với trẻ em, cần theo dõi sát sau tiêm vắc xin |
DUY TÍNH |
Hình thức tiêm
Đối với trẻ đi học, tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh.
Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định.
Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các khoa nhi của các bệnh viện thì tổ chức tiêm vắc xin tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).
Lộ trình triển khai
Dự kiến bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi Bộ Y tế tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.2022.
Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, cụ thể: vắc xin Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNtech Covid-19 Vaccine).
Lập danh sách đối tượng, nhập liệu trước khi tiêm trước ngày 8.4
Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm rà soát, nhập liệu danh sách học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi đang đi học trên địa bàn.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm phối hợp với Sở LĐ-TB-XH rà soát, nhập liệu danh sách cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không đi học hoặc các trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành LĐ-TB-XH quản lý.
Khâu lập và nhập danh sách trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, số trẻ đồng thuận và không đồng thuận lên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 phải hoàn thành trước ngày 8.4.
Trên cơ sở số liệu dự kiến do Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH cung cấp, Sở Y tế đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu vắc xin Covid-19 để bao phủ vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) chịu trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản nguồn vắc xin do Bộ Y tế cấp; phân phối, cấp phát vắc xin, vật tư cho các Trung tâm y tế TP.Thủ Đức, các quận, huyện và các cơ sở tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian theo lịch trình tổ chức tiêm.
Tổ chức tiêm chủng ra sao?
Tổ chức tiêm tại trường học, cộng đồng và các bệnh viện (đối với trẻ đang điều trị nội trú tại bệnh viện).
Đội tiêm chủ yếu là các y, bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện, Trung tâm y tế và Trạm Y tế trên địa bàn. Tùy theo tình hình nguồn lực và số lượng trẻ dự kiến tiêm chủng, Sở Y tế chịu trách nhiệm huy động lực lượng nhân viên y tế đã được tập huấn về tiêm vắc xin phòng Covid-19 bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân để bố trí các đội tiêm phục vụ các điểm tiêm đã được ngành giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện và các bệnh viện có tổ chức tiêm cho trẻ đang điều trị nội trú tại đơn vị sắp xếp khu vực để tiêm chủng phải đủ rộng, đảm bảo giãn cách và bố trí thêm khu vực ngồi chờ cho phụ huynh, người giám hộ của trẻ.
Cuối mỗi ngày tiêm cần rà soát danh sách trẻ, thống kê số lượng trẻ chưa tiêm để lên lịch tổ chức tiêm vét phù hợp và kịp thời.
Cung cấp thông tin cho phụ huynh, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; hiệu quả, liều lượng của loại vắc xin Covid-19 được tiêm chủng. Hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi tiêm theo mẫu được ban hành của Bộ Y tế. Thực hiện khám sàng lọc cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm chủng theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng.
Tổ chức cấp cứu như thế nào?
Trung tâm cấp cứu 115 là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm; bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Xe cấp cứu phải luôn sẵn sàng và trực tại các địa điểm tiêm; phân công đội cấp cứu và vận chuyển cấp cứu phù hợp với các địa điểm tiêm trên địa bàn, đảm bảo nguyên tắc có mặt ngay tại nơi có sự cố bất lợi sau tiêm trong vòng 3 - 5 phút sau khi nhận được thông báo.
Tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu phù hợp.
Xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng cần nhập viện.
Thực hiện theo dõi trẻ em được tiêm vắc xin Covid-19 ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng, cung cấp số điện thoại của Trung tâm y tế hoặc Trạm y tế để người được tiêm chủng liên hệ khi cần.
Các trường học có tổ chức tiêm hoặc các điểm tiêm chủng khác (cố định, lưu động) phân công nhân sự làm đầu mối tiếp nhận thông tin sự cố bất lợi sau tiêm chủng, báo cáo ngay về Trung tâm y tế để tổng hợp báo cáo HCDC theo quy định.
Sở Y tế ngoài phụ trách chuyên môn an toàn tiêm chủng thì chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng hướng dẫn hoặc tiếp nhận xử trí kịp thời khi có trẻ em tiêm vắc xin Covid-19 có phản ứng sau tiêm vắc xin liên hệ hoặc trực tiếp đến cơ sở; báo cáo đầy đủ thông tin tình hình tiếp nhận, xử trí các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm tại cơ sở theo quy định.
Bình luận (0)