TP.HCM: Từ đầu năm đến nay đã có 6 người tử vong do sốt xuất huyết

12/05/2022 16:06 GMT+7

Từ đầu năm đến nay TP.HCM đã có 6 ca sốt xuất huyết tử vong; nhưng chỉ trong 10 ngày qua đã có 2 ca, trong đó có 1 ca mới tử vong sáng nay.

Ngày 12.5, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã họp giao ban y tế dự phòng tháng 5.2022 với Trung tâm y tế 11 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 6.176 ca mắc sốt xuất huyết, tương đương năm 2021, nhưng có đến 145 ca nặng (cùng kỳ chỉ có 38 ca nặng) và tử vong 6 ca (3 trẻ em và 3 người lớn).

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay TP.HCM cũng đã có 936 ca bệnh tay chân miệng, giảm 89,7% so với cùng kỳ năm 2021 (8.429 ca), nhưng bệnh có dấu hiệu tăng trong 2 tuần qua. Không có ca bệnh tay chân miệng tử vong.

Trẻ sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

DUY TÍNH

Phòng chống 3 loại dịch bệnh cùng lúc

Bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, hiện Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu, nhưng đã hạ nhiệt, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dịch bệnh Covid-19 đã hết. Trong khi đó dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trở lại theo mùa dịch. Do đó, thời gian tới TP.HCM đồng thời phải tập trung phòng chống 3 loại dịch bệnh trên, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Để giảm gánh nặng do sốt xuất huyết, lãnh đạo HCDC đề nghị các phòng khám tư nhân, y tế cơ quan lập báo cáo ca sốt xuất huyết cho Trung tâm y tế quận, huyện trong 24 giờ. Vì theo bác sĩ Nga, hầu hết các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều đi khám phòng khám tư vài ngày và khi đã nặng mới đến bệnh viện chuyên khoa. Do đó, việc phát hiện sớm sốt xuất huyết và báo cáo là rất quan trọng.

Bác sĩ Nga đề nghị các quận, huyện điều tra ca bệnh trong 24 giờ và nhập liệu lên GIS (bản đồ phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết). Xác định phạm vi bản đồ trên GIS, xử lý kịp thời, đúng phạm vi. Bên cạnh đó là truyền thông nguy cơ sốt xuất huyết và chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà. Đẩy mạnh xử phạt việc không tuân thủ phòng chống sốt xuất huyết.

Tiêm chủng mở rộng chưa đạt yêu cầu

Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 nên tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ngừa 8 loại bệnh cho trẻ sinh năm 2020, năm 2021 chưa đạt như mong muốn. Còn tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi chỉ đạt 31% (261.637 trẻ), 69% trẻ chưa được tiêm, trong đó có 20% trẻ là F0, số còn lại là không đồng ý hoặc chưa tiêm.

Thời gian tới, TP.HCM đẩy mạnh tiêm vét 8 loại bệnh cho trẻ sinh năm 2020 đảm bảo đạt 95% quy mô phường, xã và trẻ sinh năm 2021 so với kế hoạch.

Tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Tổ chức tiêm vét mũi 3 cho người trên 18 tuổi. Tổ chức tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân trên 50 tuổi; người trên 18 tuổi suy giảm miễn dịch; người nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19.

Mặt khác, mục tiêu đến trước ngày 1.6, các trạm y tế phường xã, Trung tâm y tế quận, huyện phải làm sạch hơn 4,4 triệu dữ liệu sai để thực hiện ký số cho gần 21 triệu mũi tiêm của hơn 9 triệu người.

Các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cũng như các bệnh do muỗi vằn gây ra.

Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… thì đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời sốt xuất huyết (nếu được chẩn đoán là sốt xuất huyết - PV).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.